Những “sứ giả” văn hóa nơi biên cương Tổ quốc

02/06/2022, 08:31

Không chỉ làm tốt công tác phối hợp với các lực lượng trong việc giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương khu vực biên giới phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, củng cố tiềm lực quân sự, quốc phòng, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) các đoàn kinh tế-quốc phòng (KT-QP) còn mang sứ mệnh như những “sứ giả” văn hóa, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào từng bước xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới. Phóng viên Tạp chí Công nghiệp quốc phòng và Kinh tế đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng xung quanh vấn đề này.

Thiếu tướng, TS. Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế/BQP.

Phóng viên (PV): Đồng chí có thể khái quát vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của các khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) khu vực biên giới?
 
Thiếu tướng Trần Đình Thăng: Để củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược biên giới, biển, hải đảo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quan tâm, đề ra chủ trương xây dựng các khu KT-QP từ rất sớm. Đây là chủ trương lớn, lâu dài của chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gắn phát triển kinh tế, văn hóa xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và giao Quân đội làm lực lượng nòng cốt thực hiện.
 
Trên cơ sở kế thừa, phát triển những thành tựu đạt được trong tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế qua các thời kỳ; Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo khảo sát địa bàn trên phạm vi cả nước, xây dựng các đề án; bố trí lực lượng để triển khai, thực hiện.
 
Đến nay, Quân đội đã hoàn thành việc xây dựng 30/33 khu KT-QP, trên các địa bàn chiến lược ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng với Bộ đội Biên phòng và các đơn vị đứng chân trên địa bàn, các đoàn KT-QP trở thành một trong những lực lượng tuyến đầu bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; góp phần tăng cường, củng cố tiềm lực quân sự-quốc phòng khu vực biên giới, giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương bố trí, sắp xếp dân cư, phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng-an ninh; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh và làm tốt công tác dân vận.
 
Các đoàn KT-QP đã triển khai, thực hiện đồng thời các dự án giúp dân phát triển kinh tế-văn hóa- xã hội, đấu tranh bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện chương trình sắp xếp, ổn định dân cư khu vực biên giới, hình thành các cụm, tuyến dân cư, tạo vành đai biên giới, biển, đảo trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giúp các địa phương phát triển  kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; chương trình quân-dân y kết hợp để chăm sóc sức khỏe nhân dân; trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng vành đai biên giới.... Nhiều năm qua, đời sống nhân dân các khu KT-QP được cải thiện rõ rệt, quốc phòng- an ninh được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn vững mạnh, trở thành điểm sáng văn hóa nơi biên cương Tổ quốc. 
 
Đến hết năm 2020, các đoàn KT-QP đã xây dựng mới 1.318 điểm dân cư tập trung; đón nhận, sắp xếp 31.528 hộ dân; hoàn thành mục tiêu hỗ trợ, tiếp nhận 100.000 hộ dân theo Quyết định 1391 của Chính phủ. Kết quả đạt được giúp tăng dày, phủ kín mật độ dân cư dọc tuyến biên giới, hình thành thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh trên các địa bàn xung yếu, chiến lược khu vực biên giới. Cán bộ các đoàn KT-QP còn là hạt nhân nòng cốt giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; tổ chức huấn luyện lực lượng dự bị động viên, giúp nâng cao tiềm lực quân sự quốc phòng trên địa bàn chiến lược.
 
Cán bộ, chiến sĩ các đoàn KT-QP đã thực hiện "ba bám, bốn cùng" trực tiếp chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả thiết thực nhân dân. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ các đoàn KT-QP đã trực tiếp xây dựng hơn 400 tuyến đường giao thông (dài hơn 1.500km), 89 cầu, giúp nhân dân thuận tiện đi lại giữa các vùng, miền. Các đoàn còn xây dựng 166 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; 130 công trình điện sinh hoạt; xây dựng 91 trạm xá, bệnh xá quân-dân y phục vụ khám chữa bệnh cho nhân; xây dựng 39 khu chợ và nhà văn hóa cộng đồng... Việc làm trên đã giúp nhân dân vùng dự án ổn định, nâng cao cuộc sống; từ đó gắn bó lâu dài, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương vùng biên giới ngày càng giàu đẹp, vững mạnh.
 
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Nghị quết 30a) gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai trên 33 huyện/17 tỉnh trong vùng dự án khu KT-QP, các đoàn KT-QP đã xây dựng 266 mô hình chăn nuôi; 18 mô hình trồng trọt cho hơn 18.550 hộ dân; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi với giá trị trên 145 tỷ đồng... Qua đó, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm rõ rệt từ mức 45-90% (trước đó) nay còn 10 -30% so với tiêu chí xây dựng khu KT-QP, địa bàn các khu KT-QP từng bước được phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng-an ninh; trở thành điểm sáng trên biên giới đất liền, biển, đảo.
 
Sơ lược như vậy để nhận thấy, các khu KT-QP có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường, củng cố tiềm lực quân sự-quốc phòng khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình thực tiễn hiện nay và tương lai.
 
PV: Cùng với giúp đỡ nhân dân vùng dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các đoàn KT-QP còn đóng vai trò như những “sứ giả văn hóa” nơi biên cương Tổ quốc, đồng chí đánh giá như thế nào về nhận định này?
 
Thiếu tướng Trần Đình Thăng: Quả không sai khi ví von đội ngũ cán bộ, nhân viên, TTTTN các đoàn KT-QP như những “sứ giả văn hóa” ở các khu KT-QP. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, địa bàn triển khai các khu KT-QP đều xa xôi, hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, giao thông đi lại và các điều kiện bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần hết sức khó khăn, mức độ giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền, với miền xuôi rất hạn chế. Địa bàn còn tồn tại nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu, như: Mê tín dị đoan, di dịch cư tự do, tảo hôn, ma chay, cưới xin dài ngày, sinh hoạt, ăn ở không hợp vệ sinh, dễ bị lợi dụng sinh hoạt đạo trái phép... Lợi dụng sự phát triển của intenet, mạng xã hội, các thế lực phản động tăng cường các hoạt động truyền bá sản phẩm văn hóa phẩm độc hại, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; học và truyền đạo trái pháp luật, phục dựng những lễ nghi lạc hậu, cổ súy văn hóa phi truyền thống, trái thuần phong mỹ tục..., khiến tình hình ở một số địa phương tiềm ẩn các yếu tố phức tạp, khó lường.
 
Qua nhiều năm bền bỉ, sáng tạo, cán bộ, nhân viên, TTTTN các đoàn KT-QP thực hiện "4 cùng" đi đến từng thôn, bản và hộ dân ở vùng sâu, vùng xa trong vùng dự án tìm hiểu khó khăn, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào kết hợp tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương. 
 
Trên cơ sở tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, bộ đội các đoàn KT-QP phân tích, vận động bà con lược bỏ những yếu tố lạc hậu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phát triển, bảo tồn những giá trị văn hóa lành mạnh. Hình ảnh cán bộ, nhân viên, TTTTN, cán bộ quân y..., đến từng hộ gia đình tham gia cùng nhân dân vệ sinh, sắp đặt nhà ở, xây dựng nhà văn hóa, tổ chức các lớp xóa mù chữ, thăm khám, chữa bệnh, hay tham gia các lễ hội văn hóa với đồng bào đã trở nên quen thuộc. Từ đó, bà con học theo bộ đội, dần thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ bỏ dần những hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng cuộc sống văn minh ngay tại chính căn nhà mình sinh sống.
 
Sự thay đổi đáng kể nhất phải kể đến là văn hóa sản xuất, tiêu dùng. Nếu như trước kia, tập quán canh tác của bà con chủ yếu là tự cấp, tự túc, bó chặt trong phạm vị hẹp thì nay đã thay đổi theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao mang bán tại các chợ lớn. Bà con đã mạnh dạn đầu tư mua sắm nông cụ, vật tư sản xuất... Để thúc đẩy hoạt động giao thương, các đoàn KT-QP tích cực thực hiện hiệu quả mô hình “dịch vụ hai đầu” (thu mua các sản phẩm làm ra và bán các sản phẩm thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho bà con).
 
Trong văn hóa tín ngưỡng, được bộ đội, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động, bà con từng bước loại bỏ các hủ tục như làm lễ tang dài ngày tốn kém, mất vệ sinh; từ bỏ nạn hủ tục tảo hôn, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch...; đấu tranh, bài trừ tệ buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma tuý, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư.
 
Đặc biệt, hầu hết các đoàn KT-QP đều có quy chế phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương trong thực hiện các quy ước, hương ước sinh hoạt, giao lưu văn hóa, bảo đảm thực chất. Theo đó, nhân dân địa phương được tiếp nhận văn hóa một cách tự nhiên, tự giác; đồng thời, vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc được đầu tư, phục dựng, bảo tồn và phát triển, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân vùng dự án. Nhà nước, Quốc hội quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương (trong đó có Bộ Quốc phòng) thống nhất cơ chế, chính sách; hỗ trợ nhân vật lực để các đoàn KT-QP thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi kết hợp làm công tác dân vận, phấn đấu nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân vùng dự án.
 
PV: Thưa đồng chí, quá trình các đoàn KT-QP phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các hoạt động văn hóa gặp những trở ngại, khó khăn gì? Để không ngừng nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào trong các khu KTQP, cần như cơ chế, chính sách như thế nào?
 
Thiếu tướng Trần Đình Thăng: Văn hóa có nội hàm rộng lớn bao gồm nhiều lĩnh vực. Việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số các khu KT-QP nói riêng đòi hỏi phải trải qua quá trình lâu dài, bền bỉ với sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành và bản thân người dân sở tại.
 
Thực tế cho thấy nhiều năm qua, công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn KT-QP mới chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng các dự án theo kế hoạch đã xác định; việc phát triển bản sắc văn hóa vùng miền chưa được quan tâm đúng mức; chưa thực sự coi trọng vấn đề xây dựng các thiết chế văn hóa... Cá biệt, một số đoàn KT-QP còn coi đây là nhiệm vụ của các địa phương nên chưa quan tâm đúng mưcs đến khía cạnh văn hóa. Theo đó, để không ngừng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào trong các khu KT-QP, rất cần cơ chế, chính sách phù hợp với đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương. Trong đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa đoàn KT-QP với cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng đời sống văn hóa mới khu dân cư phải được tiến hành chặt chẽ hơn nữa, tập trung vào nội dung bảo tồn, phục dựng, duy trì vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp, chọn lọc giá trị văn hóa tinh hoa đưa vào áp dụng; đồng thời đấu tranh loại bỏ văn hóa xấu độc; làm phong phú thêm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong vùng dự án.
 
PV: Để phát huy hơn nữa vai trò là “sứ giả” văn hóa; bảo tồn, xây dựng và phát triển vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong vùng dự án, cán bộ, chiến sĩ các đoàn kinh tế-quốc phòng cần làm gì trong thời thời gian tới thưa đồng chí Cục trưởng?
 
Thiếu tướng Trần Đình Thăng: Giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng dự án phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo tồn, phát triển vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp, phong tục tập quán đặc trưng của vùng, miền, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong địa bàn khu KT-QP là mục tiêu quan trọng, nhiệm vụ xuyên suốt của các đoàn KT-QP, đây cũng là yêu cầu, đòi hỏi thiết thực của đồng bào vùng dự án, tô thắm thêm hình anh "Bộ đội Cụ" trong tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của cán bộ, chiến sĩ các đoàn KTQP.
 
Do đó, các đoàn kinh tế- quốc phòng cần được lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên, TTTTN thực sự tâm huyết, năng lực, trách nhiệm để làm hạt nhân trong tuyên truyền, vận động nhân dân. Bởi lẽ, muốn đồng bào nghe theo, làm theo, thì mỗi cán bộ, nhân viên, TTTTN các đoàn KT-QP phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất đạo, đức, lối sống cũng như văn hóa.... Để hoàn thành sứ mệnh là “sứ giả văn hóa”, đội ngũ này vừa phải chủ động học hỏi nâng cao trình độ mọi mặt, vừa phải tích cực nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc phong tục tập quán, vốn văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc trên địa bàn để “nói dân hiểu, làm dân tin”.
 
Hằng năm, cấp ủy các đoàn KT-QP cần có chỉ đạo việc xây dựng chuyên đề, chương trình hành động về xây dựng, phát triển văn hóa trong vùng dự án, với những nội dung, chỉ tiêu cụ thể, sát thực tế. Giữa các đoàn KT-QP và cấp ủy, chính quyền cần có quy chế phối hợp chi tiết, đồng thời không ngừng hoàn thiện, duy trì các thiết chế văn hóa lành mạnh ở khu dân cư trong vùng dự án.
 
Ngoài ra, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ sinh hoạt văn hóa của nhân dân vùng dự án tương xứng với nhu cầu thực tiễn tại các khu KT-QP. Trước mắt, bảo đảm tốt việc xây dựng các công trình văn hóa (nhà văn hóa cộng đồng, điểm sinh hoạt tập trung, khu thể thao, văn hóa công cộng làm nơi sinh hoạt văn hóa tập trung giữa quân đội và nhân dân gắn với công tác dân vận); đồng thời tổ chức thành nền nếp các hoạt động giao lưu văn hóa, thúc đẩy việc giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong vùng, giữa cán bộ, nhân viên, TTTTN với nhân dân, kết hợp làm tốt công tác vận động quần chúng ở các thôn, bản. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ, đội viên TTTN cần phát huy hơn nữa vai trò, hình ảnh tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" trên mặt trận văn hóa, nỗ lực xây dựng khu KTQP đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.

THIẾU TƯỚNG TRẦN ĐÌNH THĂNG/Cục trưởng Cục Kinh tế/BQP