Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh vùng biên giới Ia H’Drai

30/03/2024, 22:50

Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) đóng quân và thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn có hơn 52km đường biên giới thuộc huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) tiếp giáp với Campuchia.

Thượng tá Hoàng Xuân Thắng.

Trong những năm qua, Chi nhánh 716 đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh (QPAN), góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với Thượng tá Hoàng Xuân Thắng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Chi nhánh 716 về nội dung này.
 
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết đặc điểm và những khó khăn của Chi nhánh 716 khi triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với QPAN ở vùng biên giới Ia H’Drai?
 
Thượng tá Hoàng Xuân Thắng: Cách đây 10 năm, ngày 4-3-2014, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 587/QĐ-BQP thành lập Chi nhánh 716 trên cơ sở sáp nhập 12 đội sản xuất của hai công ty: 75, 78 (Binh đoàn 15) với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố QPAN trên địa bàn biên giới tỉnh Kon Tum, cùng với cấp ủy, chính quyền, LLVT địa phương xây dựng khu vực biên giới tỉnh Kon Tum có tiềm lực, thế trận QPAN vững chắc, kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.
 
Sau khi được thành lập, Chi nhánh 716 phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, địa bàn chưa có dân cư sinh sống, công nhân chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc vào và hơn 80% là người dân tộc thiểu số chưa quen với điều kiện khí hậu, quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây cao su. Hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ, lại chịu sự tác động nhiều mặt của đại dịch Covid-19, giá nguyên nhiên liệu, vật tư đầu vào sản xuất tăng cao trong khi đó giá các sản phẩm mủ cao su giảm sâu, khó tiêu thụ.
 
Song, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Chi nhánh 716 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với QPAN, xây dựng địa bàn vững mạnh. Năm 2022, toàn bộ diện tích cao su 3.165,34ha của Chi nhánh được đưa vào khai thác và đạt năng suất gần 2 tấn mủ quy khô/ha, giá trị sản xuất, lợi nhuận, doanh thu đều vượt kế hoạch đề ra, bảo đảm thu nhập cho người lao động hơn 8 triệu đồng/người/tháng.

 Lãnh đạo Chi nhánh 716 luôn động viên, chia sẻ những khó khăn với công nhân, người lao động, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong đơn vị. Ảnh: SƠN TÙNG
 
PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn những giải pháp phát triển kinh tế gắn với QPAN trên địa bàn Chi nhánh 716 đóng quân và thực hiện nhiệm vụ?
 
Thượng tá Hoàng Xuân Thắng: Chi nhánh 716 đã quán triệt và thực hiện triệt để phương châm “phát triển, mở rộng sản xuất đến đâu, thu hút lao động và xây dựng cơ sở hạ tầng, khu dân cư đến đó”. Tổ chức nhiều đoàn công tác đến từng thôn, làng các tỉnh phía Bắc tuyên truyền, tuyển dụng hàng nghìn lao động vào “an cư lạc nghiệp” trên địa bàn.
 
Cùng với đó là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), vừa phục vụ sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, vừa bảo đảm QPAN với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Bằng các giải pháp tối ưu hóa quy trình kỹ thuật, tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật và thực hiện triệt để “5 khâu quản lý” để nâng cao chất lượng vườn cây, năng suất lao động.
 
Tổ chức Phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” rộng khắp, thực chất, xây dựng đội ngũ thợ có trình độ tay nghề khá, giỏi hơn 93%. Trong giai đoạn xảy ra đại dịch Covid-19, đơn vị đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, bảo đảm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy và chăm lo tốt đời sống, sức khỏe của cán bộ, người lao động, nhân dân trên địa bàn.

 Chi nhánh 716 ra quân gặt lúa giúp công nhân, người lao động và nhân dân xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai. Ảnh: SƠN TÙNG
 
Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với địa phương, các đồn biên phòng trên địa bàn thực hiện hiệu quả các phong trào, mô hình: “Tổ tự quản đường biên cột mốc”, “Tổ tự quản an ninh trật tự thôn”, hòm thư tố giác tội phạm, xây dựng cụm, điểm dân cư văn hóa, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, huy động sức dân vào bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới từ sớm, từ xa.
 
PV: Có phải dấu ấn lớn nhất của Chi nhánh 716 là xây dựng các thôn công nhân của đơn vị sinh sống thành điểm sáng về xây dựng NTM ở vùng biên Ia H’Drai không, thưa đồng chí?
 
Thượng tá Hoàng Xuân Thắng: Cũng có thể nói như vậy, vì trong 10 năm qua, Chi nhánh 716 đã tuyển dụng, đưa hàng nghìn lao động lên sinh sống, định cư trên địa bàn, qua đó phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương sắp xếp, hình thành các cụm điểm dân cư, xóa được tình trạng “trắng” dân trên khu vực biên giới và tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng NTM. Hiện 12 đội sản xuất của Chi nhánh 716 hợp thành 5 thôn của xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai và đến nay cả 5 thôn đều được công nhận đạt chuẩn NTM.
 
Bên cạnh phối hợp với địa phương xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội, Chi nhánh 716 còn triển khai nhiều mô hình, chương trình an sinh xã hội để nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động và nhân dân. Chỉ tính 5 năm gần đây, Chi nhánh đã thưởng tiền vượt khoán sản lượng mủ cao su cho cán bộ, người lao động hơn 5 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thời điểm giáp hạt cho 7.023 lượt người với số tiền hơn 2,1 tỷ đồng; mỗi năm hỗ trợ tiền ăn Tết Nguyên đán cho người lao động trực tiếp hơn 1,112 tỷ đồng.
 
Trong hai năm 2023 và 2024, đơn vị trao 97 con bò giống tặng 97 hộ dân nghèo, cận nghèo của xã Ia Đal, giúp 33 hộ thoát nghèo, cận nghèo. Ngoài ra, Chi nhánh 716 còn duy trì 247 cặp hộ gắn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, con giống, tận dụng bờ lô hợp thủy để tăng gia sản xuất, giúp nhiều hộ có thu nhập ngoài lương từ 200 triệu đến 400 triệu đồng/năm.
 
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN ANH SƠN/QDND Online