Tạo nhiều mô hình mới trong bảo đảm đời sống cho người lao động

12/09/2019, 13:33

Cục Hậu cần (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) thành lập ngày 10-9-1974 với nhiệm vụ ban đầu là bảo đảm vật chất hậu cần cho công tác nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất và sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ bộ đội trên chiến trường.

Lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng kiểm tra bếp ăn ca tự chọn ở Nhà máy X51 (Tổng công ty Ba Son).

Khi mới thành lập, cục gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, nguồn vật chất bảo đảm hạn hẹp, điều kiện chiến trường ác liệt. Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp trên, cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên nên cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những năm đầu đổi mới, công tác bảo đảm hậu cần (BĐHC) của cục tập trung vào bảo đảm đời sống bộ đội, để người lao động (NLĐ) kiên trì bám xưởng, bám máy, yên tâm công tác. Cục đã tham mưu với cấp trên lựa chọn đột phá vào khai thác, tạo nguồn lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX). Từ đây, nhiều mô hình đã ra đời, như: Sản xuất nước mắm ở Phan Thiết; sản xuất nông nghiệp ở huyện Gia Lương (Bắc Ninh); chăn nuôi lợn ở Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh)… bảo đảm được một phần nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ, tăng thêm quỹ vốn cho đơn vị. Trước vấn đề cấp bách về nhà ở của cán bộ, nhân viên, NLĐ, cục đã tham mưu với cấp trên cấp một phần kinh phí, vật tư hỗ trợ, kết hợp cùng nguồn kinh phí tại chỗ của đơn vị để sửa chữa, xây dựng nhà cửa, sản xuất doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt, xây dựng các khu gia đình, những “làng lính thợ”, “làng quân nhân”… cơ bản giải quyết khó khăn về nhà ở và doanh cụ, dụng cụ sinh hoạt.

Thời gian gần đây, trước nhiệm vụ mới của quân đội, các đơn vị của tổng cục có sự thay đổi về mô hình hoạt động. Ngoài các đơn vị dự toán, tổng cục ngày càng có nhiều đơn vị chuyển sang hoạt động theo mô hình tự hạch toán. Chính vì vậy, công tác hậu cần nói chung, bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên, NLĐ nói riêng cũng có sự thay đổi. Với quan điểm bảo đảm đời sống cho NLĐ là khâu then chốt trong công tác BĐHC, cục đã tích cực tham mưu cho thủ trưởng cấp trên triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng đời sống bộ đội, NLĐ theo hướng ngày càng chính quy, khoa học, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đơn vị. Cục đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị bảo đảm đầy đủ, kịp thời tiêu chuẩn quân trang cho các đối tượng thuộc các đơn vị dự toán; chỉ đạo các đơn vị hạch toán tổ chức đo may quân trang, đồng phục công nhân viên và bảo hộ lao động đầy đủ, thống nhất. Ngoài ra, còn hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị nâng cao chất lượng bữa ăn ca, bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ; đổi mới mô hình bảo đảm từ ăn theo định suất sang ăn tự chọn. Các nhà ăn, nhà bếp được nâng cấp, cải tạo, ngày càng khang trang, sạch đẹp, có đầy đủ dụng cụ cấp dưỡng, bàn ghế ăn đồng bộ; chuyển sang sử dụng bếp ga, lò hơi cơ khí, vừa tiết kiệm chất đốt, giảm công sức lao động, lại nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhiều đơn vị có điều kiện về đất đai đã tích cực đẩy mạnh TGSX, đa dạng vật nuôi, cây trồng, tạo ra nhiều sản phẩm tăng gia chất lượng cao đưa trực tiếp vào bữa ăn với giá rẻ hơn bên ngoài, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hằng năm, cục tổ chức thi nâng bậc kỹ thuật nấu ăn; thi nâng, giữ bậc lái xe, thợ sửa chữa, tạo điều kiện bảo đảm chế độ chính sách, xét nâng lương cho các đối tượng nhân viên, NLĐ trong tổng cục.

Để bảo vệ, nâng cao sức khỏe bộ đội và NLĐ, Cục Hậu cần đã chỉ đạo quân y đơn vị phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế địa phương chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để lây vào doanh trại. Đồng thời, thực hiện tốt công tác vệ sinh công nghiệp, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động; thường xuyên quan trắc môi trường sản xuất, tổ chức khám, giám định bệnh nghề nghiệp. Hằng năm, 100% NLĐ tại các đơn vị đều được khám sức khỏe định kỳ, nhiều cơ quan, nhà máy còn đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại tại các bệnh xá và bố trí kinh phí tổ chức cho NLĐ thực hiện các xét nghiệm kỹ thuật cao, chuyên sâu nhằm phát hiện bệnh sớm để kịp thời điều trị. Nhờ đó, tỷ lệ quân số khỏe hằng năm của tổng cục đều đạt hơn 98,5%. Công tác quản lý, bảo đảm chỗ ở cho quân nhân, NLĐ cũng được đặc biệt coi trọng. Vừa qua, cục đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng hai dự án chung cư với 314 căn hộ; 22 nhà công vụ với 1.169 căn, bảo đảm cơ bản nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng. Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều được sử dụng nước sạch, tỷ lệ NLĐ được sử dụng nước sạch đạt 95,04%.

Trước sự phát triển của kinh tế-xã hội, nhu cầu của NLĐ ngày càng tăng, đặt ra cho công tác bảo đảm đời sống phải tiếp tục có những bước thay đổi phù hợp. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, thời gian tới, cục thường xuyên bám sát sự biến động của thị trường để tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy tổng cục chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp điều chỉnh tiền ăn cho các đối tượng, bảo đảm đủ định lượng, tiêu chuẩn ăn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh TGSX tại chỗ theo hướng tập trung, phát triển các loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt, góp phần giữ ổn định và cải thiện bữa ăn hằng ngày cho các đối tượng. Công tác quân y tập trung vào việc khai thác có hiệu quả các trang, thiết bị y tế; đầu tư vào đào tạo nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh xá, quân y cơ sở. Cùng với đó, củng cố hệ thống mạng lưới y tế dự phòng, bảo đảm tốt sức khỏe cho cán bộ, nhân viên, NLĐ. Cục cũng tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, triển khai tạo nguồn nhà ở, đất ở, góp phần ổn định chỗ ở, giúp cán

NGUYỄN THƯỢNG HIỀN