Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tổng kết thực hiện Nghị quyết 791 của Quân ủy Trung ương

16/06/2022, 14:10

Ngày 13/6, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 791-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương ngày 30/12/2012 về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam dự và phát biểu tại hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết 791, từ năm 2013 đến nay, Viettel đã triển khai 256 đề tài, dự án khoa học - công nghệ, làm chủ nhiều sản phẩm, công nghệ, đáp ứng nhu cầu Quân đội và hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Viettel đã làm chủ nhiều công nghệ, vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của Quân đội. Viettel đã nghiên cứu, làm chủ hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao và sản xuất đưa vào trang bị hơn 40 chủng loại sản phẩm thuộc 8 ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ cao phục vụ quốc phòng, an ninh. Viettel đã nghiên cứu, làm chủ các thiết bị hạ tầng mạng viễn thông trên cả 4 lớp mạng: mạng truy nhập; mạng truyền dẫn; mạng lõi; mạng ứng dụng. Việc hoàn thiện và thử nghiệm hệ sinh thái các thiết bị hạ tầng mạng 5G đã góp phần đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia trên thế giới làm chủ công nghệ 5G. Đồng thời, nghiên cứu, làm chủ hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin phủ rộng trên tất cả các lớp của hệ thống công nghệ thông tin, hỗ trợ giám sát và xử lý sự cố hiệu quả, kịp thời 24/7 cho các hạ tầng trọng yếu quốc gia và các doanh nghiệp, tổ chức. Viettel là đơn vị tiên phong, chủ lực làm chủ các nền tảng số để đồng hành cùng Chính phủ thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 03 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Các giải pháp và nền tảng chuyển đổi số do Viettel triển khai đã đóng góp lớn vào Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, Viettel đã thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, nhà máy sản xuất.
 
Về các tài sản trí tuệ, những năm qua, Viettel đã xây dựng, đưa vào quản lý nhiều nền tảng sản phẩm và nghiên cứu làm chủ các công nghệ lõi; đồng thời đăng ký nhiều sáng chế trong nước và quốc tế. Theo đánh giá của Cục Sở hữu trí tuệ, Viettel là doanh nghiệp công nghệ có số đơn đăng ký sáng chế và số bằng sáng chế được cấp hàng năm nhiều nhất tại Việt Nam, với 56 bằng bảo hộ sáng chế được cấp tại Việt Nam, 11 bằng bảo hộ sáng chế được cấp tại Mỹ. Các hoạt động sáng kiến ý tưởng, hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học - công nghệ cũng phát triển mạnh mẽ với 2 Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ.
 
Trong giai đoạn 2021- 2030, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 791, Viettel xác định tập trung nghiên cứu, làm chủ khoa học - công nghệ trong 4 lĩnh vực công nghiệp: Công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghiệp điện tử -  viễn thông, công nghiệp an ninh mạng và công nghiệp công nghệ số. Mục tiêu của Viettel là trở thành hạt nhân của Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, đóng góp vào hiện đại hoá Quân đội; đồng thời làm chủ các công nghệ lõi then chốt, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Viettel cũng xác lập, duy trì vị thế tiên phong trong xây dựng nền kinh tế số, kiến tạo xã hội số tại Việt Nam.
 
Trung tướng Phùng Sĩ Tấn phát biểu tại hội nghị.
 
Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Phùng Sĩ Tấn đánh giá cao tính hiệu quả của hoạt động phát triển khoa học - công nghệ tại Viettel. Trung tướng Phùng Sĩ Tấn khẳng định, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội trong 10 năm thực hiện Nghị quyết đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ để trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế lớn của đất nước, kết hợp tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động khoa học - công nghệ - môi trường nói riêng.

NGUYỄN HÒA (BQP.VN)