Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết Quyết định số 178 về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc

31/03/2024, 16:08

Sáng 31-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học.
 
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận sôi nổi đánh giá tiềm năng, thế mạnh; thành tựu phát triển Phú Quốc thời gian qua; những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; vai trò của các chủ thể liên quan; đề xuất các giải pháp tiếp tục thúc đẩy Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững - thành phố du lịch xanh, sạch, đẹp, an toàn, khẳng định thương hiệu du lịch Phú Quốc trên bản đồ du lịch thế giới.
 
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Phú Quốc có vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh đặc biệt và được Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy Phú Quốc phát triển, trong đó có Quyết định 178/2004/QĐ-TTg.
 


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị tổng kết Quyết định số 178 về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc. 
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 20 năm thực hiện Quyết định 178, Phú Quốc có “6 điểm hơn” gồm: Đảng, Nhà nước quan tâm, có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hơn để thúc đẩy phát triển Phú Quốc; tiềm lực được tăng cường hơn, dư địa phát triển của Phú Quốc ngày càng lớn hơn; sự quan tâm trong nước, quốc tế dành cho Phú Quốc nhiều hơn; uy tín, vị thế của Phú Quốc được củng cố vững chắc hơn; hạ tầng chiến lược ở Phú Quốc phát triển đồng bộ hơn, đóng góp của Phú Quốc cho thu ngân sách và đời sống nhân dân được tăng cao hơn; thời cơ, thuận lợi của Phú Quốc nhiều hơn, nhưng khó khăn, thách thức cũng không ít hơn, nhất là thách thức về phát triển nhanh, bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…
 
Chỉ rõ 6 tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm trong phát triển thành phố Phú Quốc như vấn đề phát triển nóng, quản lý có lúc chưa theo kịp sự phát triển; vấn đề vệ sinh môi trường, nguồn nhân lực; hạ tầng điện, nước, sóng; tiềm năng lớn, nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp…, Thủ tướng cho rằng, Phú Quốc là khu kinh tế biển có vị thế đặc biệt về cả kinh tế, chính trị, xã hội, du lịch, dịch vụ, giao thương, quốc phòng, an ninh của cả nước; phát triển Phú Quốc không phải là “nhiệm vụ riêng” của Phú Quốc, Kiên Giang, mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần cả nước vì Phú Quốc và Phú Quốc vì cả nước.
 
Thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo quyết tâm xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, là nơi đáng sống, đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
 
Theo đó, tiếp tục đổi mới tư duy phát triển của Phú Quốc với tinh thần “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”; khơi dậy, lan tỏa và nâng tầm khát vọng phát triển Phú Quốc, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường của Đảng bộ, chính quyền và người dân, doanh nghiệp; khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh, tận dụng mọi cơ hội để phát triển nhanh và bền vững.
 
Ưu tiên phát triển kinh tế theo hướng xanh, sạch, đẹp, chất lượng cao gắn với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát triển hài hòa, gắn kết giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái; kiên quyết không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Bên cạnh đó, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
 
 
Các đại biểu dự hội nghị. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính xem sản phẩm nghề truyền thống của Phú Quốc.  
 
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc; thực hiện nghiêm các quy hoạch, phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, thông minh; phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ giữa tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục chú trọng tạo sự chuyển biến về chất, bảo đảm sự bền vững trong phát triển Phú Quốc với “6 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển Phú Quốc; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho Phú Quốc, đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lập nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối, kết nối với khu vực và toàn cầu; đẩy mạnh phát huy, khai thác truyền thống lịch sử văn hóa của Phú Quốc và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương để Phú Quốc, Kiên Giang phát triển theo mục tiêu được Đảng, Nhà nước đã xác định, nhân dân đang mong đợi.
 
Để phát triển Phú Quốc bền vững, Thủ tướng yêu cầu tập trung bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái biển, trong đó tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường nghiêm ngặt; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài quý hiếm, đặc hữu; phục hồi hệ sinh thái rừng đối với Vườn Quốc gia Phú Quốc.
 
Phú Quốc phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, đặc biệt Phú Quốc phải có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế trong thu hút FDI và các nguồn lực chất lượng cao từ bên ngoài; chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân; củng cố quốc phòng, an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
 
Thủ tướng cho biết, trên cơ sở hội nghị, Chính phủ sẽ xây dựng một đề án, ban hành văn bản phù hợp để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, làm cơ sở để triển khai thực hiện phát triển Phú Quốc nhanh và bền vững hơn.
 

/TTXVN