Tổ chức bảo vệ cơ sở kỹ thuật phục vụ chiến dịch Việt Bắc và kháng chiến trường kỳ

26/07/2022, 14:58

Đánh phá tiềm lực nói chung, các xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí của ta nói riêng là một trong những âm mưu chiến lược của thực dân Pháp khi chúng quay trở lại xâm lược nước ta. Từ cuối năm 1945, chúng đã nhiều lần tổ chức càn quét, đánh phá các binh công xưởng trong Chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười, U Minh... Năm 1947, chúng mở nhiều trận càn quét vào vùng căn cứ của ta ở Tây Nguyên, Phú Yên, Thừa Thiên, Quảng Trị và vùng Chi Nê (Hà Nam), Mỹ Đức, Chương Mỹ (Hà Nội ngày nay) Chí Linh (Hải Dương)... nơi có các binh công xưởng nhằm triệt phá tận gốc nguồn cung cấp vũ khí của ta.

Pháo 75mm của ta bắn tàu chiến Pháp.

Vì vậy, cùng với di chuyển, sơ tán để duy trì, phát triển sản xuất, đòi hỏi phải tổ chức bảo vệ chu đáo các xưởng vũ khí, các binh công xưởng. Và ở nhiều nơi, đặc biệt là Việt Bắc thì đây là nhiệm vụ hàng đầu. 
Thu đông năm 1947, sau khi được tăng viện, tổng số quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam lên tới 125.000 tên [1], chúng ráo riết chuẩn bị tiến công lên Việt Bắc nhằm chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt một bộ phận bộ đội chủ lực và triệt phá các các kho tàng, cơ sở quốc phòng của ta, kết thúc chiến tranh bằng chiến lược tiến công “chớp nhoáng”.
 
Trước tình hình đó, ngày 15/9/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Chuẩn bị sửa soạn phá những cuộc tiến công lớn của địch”; sau đó, Quân ủy Trung ương triệu tập 2 hội nghị thống nhất đánh giá tình hình và chủ trương tác chiến, xác định: “phải bảo vệ căn cứ, bảo vệ cho được cơ xưởng” [2].
 
Thực hiện chỉ thị của Trung ương, các cơ quan và các địa phương đã gấp rút chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp với bộ đội chiến đấu. Các làng, xã gần đường cái và thị xã, thị trấn đều tổ chức cho nhân dân tản cư ra vùng tự do, cất giấu tài sản, lương thực, thực phẩm, thực hiện “Vườn không, nhà trống”. Cục Quân giới, các ty quân giới và xưởng quân giới... đều tích cực chuẩn bị kế hoạch sản xuất và bảo vệ xưởng, kho tàng... ở Việt Bắc, nơi dự kiến địch sẽ tiến công lớn, các cơ quan, kho, xưởng đều được sơ tán di chuyển sâu vào trong các căn cứ, cách xa đường giao thông, phân tán thành các bộ phận nhỏ để có thể di chuyển nhanh chóng; đồng thời, tích cực chuẩn bị phục vụ tác chiến. 
 
Văn phòng Cục Quân Giới và các Nha nghiên cứu đã phân tán thành các nhóm di chuyển tránh các hướng tiến công lớn của địch. Nhóm của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa xuống Hiệp Hòa - Bắc Giang, tiếp tục hoàn thiện ngòi đạn, cỡ hạt thuốc phóng, cách lập bảng bắn súng đạn cối và kiểm tra sản xuất của quân giới Khu 11, Khu 2, 4... Cục phó Nguyễn Ngọc Xuân cùng một bộ phận Văn phòng và Nha Mậu dịch chuyển về Bình Định (phía nam Thái Nguyên). Đồng chí Nguyễn Duy Thái - Giám đốc Nha binh công xưởng cùng toàn Nha chuyển về Bắc Giang và kiểm tra hoạt động của các cơ sở quân giới Khu 10…
 
Ngày 7/10/1947, hơn 15.000 quân Pháp đã mở cuộc tiến công bằng đường bộ, đường thủy và đường không, hình thành 2 gọng kìm, kẹp chặt căn cứ địa Việt Bắc với trọng điểm là khu vực Bắc Cạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. 
 

Tàu chiến của thực dân Pháp bị quân ta đánh đắm trên sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc (Thu Đông 1947).
 
Trên hướng đông, 1.200 quân dù do Sauvangac chỉ huy bất ngờ nhảy xuống chiếm thị xã Bắc Cạn, Chợ Đồn, Chợ Mới, Chợ Chu, Vũ Nhai, Đại Từ... Cánh quân của BeauFré từ Lạng Sơn theo Đường số 4 phối hợp với bộ phận quân dù chiếm Cao Bằng rồi theo Đường số 3 xuống Bắc Cạn. Trên hướng tây, cánh quân của Communal từ Hà Nội ngược sông Hồng theo sông Lô, Đường số 2, sông Gâm lên Phú Thọ, Tuyên Quang, Chiêm Hóa. Một đại đội quân Pháp từ Bắc Ninh, Bắc Giang đánh tạt lên. Địch hình thành thế thắt chặt bốn phía, từ ngoài đánh vào, từ trong quét ra. 
 
Hồ Chủ tịch đã kêu gọi bộ đội, du kích và toàn thể nhân dân ra sức tiêu diệt địch. Tổng chỉ huy quân đội ta ra lệnh cho các đơn vị: phải đánh mạnh và bẻ gãy gọng kìm Lạng Sơn - Cao Bằng và gọng kìm phía sông Lô, không để địch hợp quân ở Chiêm Hoá - Đại Thị [3]. Ngày 15/10/1947, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp” và chỉ rõ: quân nhu, quân giới, quân y, đều phải Việt hóa, đơn giản hóa và phổ biến hóa, tìm vật liệu trong nước mà chế tạo máy móc, dụng cụ cho nhẹ nhàng, có thể di chuyển và cất giấu nhanh chóng; phân tán xưởng máy, kho tàng, y viện to thành những bộ phận nhỏ, để nhiều nơi, làm cho khu nào, tỉnh nào, thậm chí huyện nào cũng có có xưởng nhỏ chế tạo và sửa chữa vũ khí... không đặt trong các thị xã, thị trấn hoặc gần đường cái lớn [4].
 
Mặc dù đã tích cực chuẩn bị, chủ động đề phòng, nhưng lúc đầu chưa dự kiến đầy đủ âm mưu và hướng tiến công của địch, nên khi địch nhảy dù xuống thị xã Bắc Cạn nằm sâu trong vùng căn cứ địa đã gây bất ngờ nhất định cho ta.  Xuống thị xã Bắc Cạn, địch nhanh chóng lùng bắt cơ quan lãnh đạo Trung ương, sục ngay vào khu vực Cục Quân giới, Ty Quân giới Khu 3, nhưng ta di chuyển sớm nên chúng chỉ bắt được vài nhân viên. Ngày 8/10, địch tiến xuống Cao Kỳ, đánh vào Xưởng quân giới C4 giữa lúc công nhân đang phân tán máy móc; lực lượng chiến đấu của xưởng không đủ sức ngăn chặn địch, 2 công nhân hy sinh, 4 người khác bị chúng bắt, một số máy móc bị phá hủy. Kho đạn C3 từ Chí Linh chuyển lên đây do ít người lại không tổ chức sơ tán nên bị địch phá hủy toàn bộ. Ngày 9 và 10/10, quân Pháp hai lần đánh xưởng cơ khí C2 ở Khuổi Huyền, tự vệ xưởng đã bố trí mìn, lập trận địa từ trên núi đánh xuống, diệt và làm bị thương một số tên, buộc chúng phải rút lui. Các xưởng C1 ở Vị Hương và C5 ở Sĩ Bình (gần Đèo Giàng) cũng bị địch đánh phá, nhưng ta kịp thời sơ tán, cất giấu máy móc nên không bị tổn thất. Xưởng Lê Tổ (Lũng Hoàng trước đây) từ thị xã Cao Bằng được chuyển về Lam Sơn (vào sâu thêm 10 km); ngày 10/10 địch tiến công xưởng, bị tự vệ ta đánh trả quyết liệt suốt 2 ngày liền, chúng phải rút lui. Một cánh quân khác của Pháp từ Tuyên Quang tiến lên Chiêm Hóa, Đầm Hồng, Bản Thi, Khe Khao…  đã đánh vào Nha Kỹ thuật và một số xưởng quân giới Khu 10, nhưng ta đã sơ tán nên không bị tổn thất [5].
 
Tình hình tác chiến rất khẩn trương, các xưởng vũ khí, cơ khí nơi xảy ra chiến sự vừa cất giấu máy móc, sơ tán công nhân, vừa tổ chức các tổ sửa chữa cơ động bám sát các đơn vị để sửa chữa vũ khí hư hỏng, nhồi lắp đạn, lựu đạn, mìn... phục vụ bộ đội đánh địch. Ty Quân giới Khu 1 đã huy động cán bộ công nhân, phương tiện của xưởng, tổ chức thành các tổ chế tạo hạt lửa, nụ xòe, nhồi lắp mìn, lựu đạn... sửa chữa súng đạn cung cấp cho các đơn vị trên địa bàn. Các xưởng vũ khí đã nhanh chóng ổn định mọi mặt, đẩy mạnh sản xuất, sửa chữa vũ khí đạn đáp ứng yêu cầu chiến đấu. Xưởng J4 ở Yên Bình đã sản xuất được lựu đạn mỏ vịt, đạn DAM (đạn súng trường Pháp) cung cấp cho các đơn vị; công trường sửa chữa pháo J5 ở khu vực Đĩa tổ chức một số tổ thợ sửa chữa pháo tại các trận địa góp phần quan trọng vào chiến thắng sông Lô. Các xưởng ở hướng Tuyên Quang đã sản xuất cung cấp kịp thời cho bộ đội 4 quả mìn được chế tạo từ đạn pháo 320 ly thu được của địch, diệt 72 tên, làm bị thương 30 tên khác tại Km7 từ Tuyên Quang đi Hà Giang [6]. Xưởng L4 ở Bắc Sơn - Lạng Sơn đã sản xuất được lựu đạn châm ngòi cung cấp cho bộ đội đánh thắng trận Lũng Phầy. Trong trận Đoan Hùng (ngày 24/10), khẩu sơn pháo 75 ly do quân giới dồn lắp từ nhiều bộ phận khác nhau của nhiều khẩu pháo đã bắn chìm 2 tàu chiến địch và bắn bị thương 2 chiếc khác trên Sông Lô; còn trận Khe Lau (khu vực ngã 3 Sông Lô và sông Gâm) ngày 10/11, khẩu pháo này bắn chìm 2 tàu chiến địch, khẩu Bazôca do quân giới ta sản xuất bắn bị thương 1 chiếc khác [7]. Một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an toàn là các xưởng vũ khí dân quân, xưởng quân giới, kho trạm… của ta ở Việt Bắc khi đó quy mô tổ chức nhỏ, gọn, dễ sơ tán, phân tán và kiên quyết đánh địch, vì vậy đã hạn chế tối đa các thiệt hại do chúng gây ra, bảo toàn được nguồn lực phục vụ kịp thời cho tác chiến. 
 

Tàu chiến Pháp bị Trung đoàn sông Lô diệt ở Đoan Hùng.

 
Do không đạt được mục tiêu tác chiến ban đầu đặt ra, Bộ chỉ huy quân Pháp đã huy động thêm lực lượng mở rộng bao vây, càn quét các khu vực Tuyên Quang, Thái Nguyên, Việt Trì... bằng đợt tiến công Xanh Tuya. Các xưởng L1, L2 và A4 (ở Chợ Chu) bị đánh phá nhưng ta đã di chuyển, chúng chỉ đốt phá nhà xưởng trống không. Một bộ phận địch tiến vào chân núi Hồng, nơi Ty Quân giới 12 vừa chuyển đến, bị chặn đánh, chúng phải rút lui.
 
Bị ta đánh mạnh trên các hướng và bị thiệt hại nặng, từ ngày 21/11/1947, địch bắt đầu bí mật rút quân; đến ngày 19/12/1947, chúng buộc phải rút quân ra khỏi phần lớn Việt Bắc và chỉ còn chiếm một số vị trí ở thị xã Bắc Cạn, Cao Bằng trên Đường số 3, 4. Âm mưu chiến lược của Bộ chỉ huy quân Pháp trong chiến dịch Việt Bắc bị thất bại hoàn toàn. Tính từ 7/10/1947 đến 25/12/1947 có hơn 7.200 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu (3.300 tên bị tiêu diệt); 255 xe bị phá hủy; 18 máy bay bị bắn hạ; 54 tàu chiến và ca nô bị bắn chìm; 90 khẩu bazoca, 85 khẩu cối (mortier), gần 5.000 súng bộ binh các loại bị phá hủy... Ta thu được 5 khẩu pháo (75 và 105 ly), 42 khẩu cối, 16 pháo 20 ly, 45 khẩu bazoca, gần 2.000 súng bộ binh các loại... và hàng chục tấn đạn, dược, đồ quân dụng các loại [8].
 
 
⃰      ⃰

 
Từ sau ngày Toàn quốc kháng chiến đến chiến thắng Việt Bắc, vừa tròn 1 năm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành cuộc Tổng di chuyển các cơ quan cùng hàng vạn tấn máy móc thiết bị, nguyên liệu với hàng vạn công nhân từ các thành phố, thị xã ra các chiến khu, lên căn cứ địa Việt Bắc và thành lập hàng trăm xưởng vũ khí phục vụ kháng chiến. Trong điều kiện khó khăn ngặt nghèo giữa vòng vây của kẻ thù, với lòng yêu nước, ý chí kiên cường và tài năng sáng tạo, đội ngũ cán bộ, công nhân quân giới đã vừa chiến đấu bảo vệ xưởng, vừa sửa chữa, nghiên cứu sản xuất cung cấp kịp thời nhiều loại vũ khí trong đó có một số vũ khí hiện đại (bazôca, AT, SKZ, súng cối...) cho quân và dân ta chiến đấu ngăn chặn, đánh bại các cuộc tiến công của quân Pháp trong năm đầu (đặc biệt là trong chiến dịch Việt Bắc); đồng thời, tạo cơ sở cho sự phát triển tiếp theo của ngành phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ đến ngày thắng lợi. Đó là sự thần kỳ của ngành quân giới và Quân đội ta những năm đầu sau ngày Toàn quốc kháng chiến.
 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1, 2, 3, 4, 7. Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND, Hà Nội, 1995, tr.90, 91, 92, 93 và 94-95.
5, 6. Lịch sử Quân giới Việt Nam (1945 - 1954), Nxb Lao Động, Hà Nội, 1990, tr.88 và 90.
6. Lịch sử ngành Kỹ thuật QĐND Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 1996,  tr.75.
8. Hồ Chí Minh - Những bài viết và nói về quân sự, tập 1, Nxb QĐND, Hà Nội, 1985, tr.310.

ĐẠI TÁ, THS. TRẦN ĐÌNH QUANG