Đâu là những cú sốc có thể đe dọa kinh tế toàn cầu năm 2023?

10/01/2023, 10:18

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy “những cú sốc bất lợi hơn nữa” có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái vào năm 2023, trong đó các quốc gia nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương.

Ngay sau khi nỗi lo lạm phát bắt đầu lắng xuống thì các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về suy thoái kinh tế, càng trở nên trầm trọng hơn do chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ. (Nguồn: World Bank)

Liệu các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có đủ sức chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát? Dù lạm phát đã chậm lại kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu vào tháng 2/2020 nhưng đã nhanh chóng gia tăng và đạt mức 10% trong năm 2022 do tác động từ các chương trình kích thích kinh tế của các chính phủ, cú sốc hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine…
 
Lạm phát
 
Chi phí đi vay tăng nhanh nhất trong nhiều thập kỷ đã góp phần vào sự sụt giảm đáng kinh ngạc về giá trị của cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu trong năm 2022. Theo dữ liệu của Bloomberg, thị trường nợ đã bị tắc nghẽn, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm trung bình ở Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) tăng từ 0,7% lên 3%.
 
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, các dấu hiệu cho thấy lạm phát sắp đạt đỉnh đã trở nên rõ ràng hơn. Việc giảm bớt áp lực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và lương thực giảm và nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh đã khiến giá cả ở một số nền kinh tế lớn chậm lại.
 
Lạm phát ở Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới giảm xuống 7,1% trong tháng 11, mức thấp nhất trong gần một năm, trong khi giá cả ở khu vực đồng Euro giảm lần đầu tiên sau 17 tháng.
 
Tuy nhiên, ngay sau khi nỗi lo lạm phát bắt đầu lắng xuống thì các nhà đầu tư lo lắng về suy thoái kinh tế, càng trở nên trầm trọng hơn do chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ.
 
Suy thoái kinh tế
 
Tháng 10/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy giảm trong năm nay, với châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đồng loạt tăng trưởng chậm lại.
 
Fed sẽ buộc phải bắt đầu cắt giảm lãi suất do mức độ nghiêm trọng của suy thoái và tình trạng hỗn loạn mới trên thị trường. (Nguồn: Reuters)
 
Trong báo cáo tóm tắt của Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra hôm 3/1 cho thấy “những cú sốc bất lợi hơn nữa” có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái vào năm 2023, trong đó các quốc gia nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương.
 
Theo WB, ngay cả khi không có một cuộc khủng hoảng nào khác, tăng trưởng toàn cầu trong năm nay “dự kiến sẽ giảm tốc mạnh, phản ánh sự thắt chặt chính sách đồng bộ nhằm kiềm chế lạm phát rất cao, điều kiện tài chính xấu đi và sự gián đoạn liên tục do cuộc xung đột Ukraine”.
 
Một số nhà đầu tư tin rằng các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ buộc phải bắt đầu cắt giảm lãi suất do mức độ nghiêm trọng của suy thoái và tình trạng hỗn loạn mới trên thị trường.
 
Các nhà giao dịch trái phiếu đang định giá khả năng lãi suất thấp hơn đáng kể ở Mỹ trong nửa cuối năm 2023, bất chấp những đề xuất từ Fed rằng cơ quan này vẫn chưa kết thúc chiến dịch tăng lãi suất.
 
Dù vậy, những bằng chứng cho thấy một cuộc suy thoái toàn diện sắp xảy ra càng rõ ràng thì áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải nhượng bộ càng lớn.
 
Năm ngoái, thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt là rất rõ ràng, chi phí đi vay đã tăng mạnh sau khi cú sốc lạm phát bị đánh giá thấp. Năm nay, suy thoái trên diện rộng càng gia tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương, các nhiệm vụ, mục tiêu vì thế ngày càng trở nên khó khăn, thách thức.
 
Tăng trưởng suy yếu
 
Nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại trở thành thách thức lớn nhất hiện nay đối với kinh tế thế giới và thị trường toàn cầu.
 
Cuộc khảo sát mới nhất của Ngân hàng Bank of America (BoA) cho thấy, 90% số người được hỏi dự báo giá cả sẽ giảm trong vòng 12 tháng tới, trong khi đó có 68% tin rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu có khả năng xảy ra.
 
Tăng trưởng yếu không có nghĩa là lạm phát sẽ không đáng lo. Lạm phát cơ bản - không bao gồm giá năng lượng và lương thực vẫn đang ở mức cao. Chính lạm phát cơ bản - đặc biệt là giá dịch vụ, chịu ảnh hưởng của tăng trưởng tiền lương - đang ngày càng khó chế ngự và cần phải thắt chặt hơn nữa để kiểm soát giá cả.
 
Không thể không nhắc đến tăng trưởng tiền lương của Mỹ - một trong những chỉ số kinh tế toàn cầu quan trọng khác. Nếu mức tăng trưởng này không chậm lại thì lạm phát cơ bản sẽ vẫn ở mức cao và Fed sẽ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục giữ chính sách cực kỳ chặt chẽ. Điều này đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như bất động sản và công nghệ.
 
Tăng trưởng tiền lương của Mỹ - một trong những chỉ số kinh tế toàn cầu khá quan trọng khác, nếu không chậm lại thì lạm phát cơ bản sẽ vẫn ở mức cao và Fed ó rất ít sự lựa chọn ngoài việc tiếp tục giữ chính sách cực kỳ chặt chẽ. (Nguồn: AFP)
 
Mối lo lớn hiện nay là toàn bộ nền kinh tế - đặc biệt là những nền kinh tế dễ bị tổn thương và mắc nợ nhiều - sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn so với dự đoán của thị trường trái phiếu.
 
Nhiều nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua một cú hạ cánh cứng hoặc mềm. Tuy nhiên, ngay cả một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng cũng có thể là một sai lầm nếu các ngân hàng trung ương tạm dừng các chiến dịch tăng lãi suất chỉ để buộc phải tiếp tục thắt chặt nhằm đối phó với áp lực từ các làn sóng lạm phát mới.
 
Vì vậy, năm nay, việc ngăn chặn suy thoái kinh tế cùng với việc hạ nhiệt lạm phát sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng với chính phủ các nước.

NGÔ MINH/Baoquocte.vn