Bàn về động viên hậu cần quân đội trong thời chiến

28/07/2022, 08:02

Lịch sử cho thấy, quân đội luôn gắn liền với đấu tranh vũ trang và chiến tranh. Và kinh tế là cơ sở của quốc phòng và quân đội mỗi quốc gia, Ăngghen chỉ rõ: “Không có gì phụ thuộc vào kinh tế bằng quân đội và hạm đội”. Thời bình duy trì một đội quân lớn sẽ là gánh nặng khó có nền kinh tế nào chịu nổi; vì vậy, các quốc gia đều tinh gọn quân thường trực và chú trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV) hùng hậu để sẵn sàng động viên mở rộng quân đội trong thời chiến. Động viên quân đội nói chung, hậu cần nói riêng là tất yếu, mang tính quyết định thắng lợi, từ xưa đến nay các quốc gia đều coi trọng. 

Lực lượng dự bị động viên tỉnh Hà Nam thực hành bắn đạn thật trong diễn tập khu vực phòng thủ.

Thời cổ đại và trung đại, động viên quân đội chủ yếu dựa vào việc tổ chức thu nạp tại chỗ. Quân đội “bách chiến, bách thắng” của Napôlêông đã triệt để tổ chức trưng dụng, cướp bóc nguồn lực tại chỗ kết hợp với vận chuyển mang theo đội hình. Nhưng khi tiến công nước Nga, họ đã thất bại do nguồn tiếp viện từ phía sau lên bị đứt và không cướp bóc tại chỗ được do nhân dân Nga làm“vườn không, nhà trống”…  Trong Chiến tranh thế giới thứ II, với ưu thế của chế độ XHCN, Liên Xô (cũ) đã động viên tối đa nguồn lực đất nước cho chiến tranh, các phân khu đã được hình thành, mỗi phân khu đảm nhiệm cung cấp nhân, tài, vật lực cho một tập đoàn quân hoặc cho 1 hướng tác chiến của các tập đoàn quân. Cuộc chiến tranh Trung Đông (năm 1973, giữa Ixaraen với Aicập và Xêry), Ixaraen do chủ động gắn kết kinh tế với quốc phòng, làm tốt công tác động viên nên chỉ trong 2 ngày đã động viên số quân tăng gấp 30 lần bình thường. Trong chiến tranh Vùng Vịnh (1991), Mỹ đã động viên hơn 21 vạn quân dự bị; lực lượng hậu cần của Mỹ đã huy động tại Trung Đông, Châu Âu một khối lượng vật chất trang bị hậu cần rất lớn cùng nguồn nhân lực gấp hơn 2 lần số biên chế. Chiến tranh I Rắc (2003), Mỹ cũng đã huy động tại chỗ gần 50% nhu cầu vật chất và khoảng 28% nhân lực so với biên chế và liên minh hoặc thỏa hiệp với một số nước phong tỏa, bao vây, cấm vận phá hoại kinh tế I Rắc... kết hợp với các đòn tiến công quân sự để nhanh chóng giành thắng lợi. Bước sang Thế kỷ 21, cùng với điều chỉnh chiến lược quân sự, nghệ thuật tác chiến… các nước, đặc biệt là các nước phát triển đều coi xây dựng LLDBĐV hùng hậu là vấn đề chiến lược nhằm nhanh chóng mở rộng quân đội gấp nhiều lần khi cần. 
 
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã để lại hệ thống tri thức quân sự sâu sắc và độc đáo với nhiều kế sách hay: “Ngụ binh ư nông để nông cũng mạnh mà binh cũng mạnh” trên cơ sở “Khoan thư sức dân” làm cho “Quốc thịnh, binh cường”; “Chứa lương không gì tiện bằng sai dân tự chứa”... và khi đất nước có chiến tranh, tổ tiên ta đã “Tận dân vi binh” và “Cử quốc nghênh địch”... Kế thừa, vận dụng sáng tạo các bài học đó, từ khi lãnh đạo cách mạng, Đảng ta hết sức chú trọng xây dựng và động viên nguồn lực trong nhân dân đáp ứng yêu cầu của lực lượng vũ trang. Khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân Quân đội ta, Hồ Chủ tịch căn dặn: "Nguồn cung cấp sẽ dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì không kẻ địch nào tiêu diệt được"(1). Với chủ trương “Trường kỳ kháng chiến”, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, vượt qua mọi thử thách, gian nan, nguồn lực của đất nước ngày càng vững chắc và được huy động tối đa cho tác chiến. Đặc biệt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động nguồn lực to lớn của nhân dân gồm: 87 nghìn người tham gia chiến dịch; 20 nghìn tấn vật chất (1.200 tấn đạn, 1.783 tấn xăng dầu, 1.4950 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm...) và huy động 12 triệu ngày công (33 ngàn dân công)(2), góp phần quyết định vào chiến thắng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần “Tất cả cho chiến thắng”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… nhân dân ta đã dốc toàn lực cho bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Riêng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, đã có 10.000 xe ô tô, 311 toa tàu hỏa, 32 tàu biển (3), hàng chục vạn tấn vật chất… của các ngành kinh tế và của nhân dân các vùng mới giải phóng được huy động, động viên cùng nhiều phương tiện, vật chất của Quân đội, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vật chất hậu cần cho chiến dịch giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 
 
Ngày nay, động viên quân đội nói chung, hậu cần nói riêng là vấn đề chiến lược trong xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nhằm tạo tiềm lực quân sự và hậu cần đáp ứng mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống. Động viên hậu cần ngày nay có thuận lợi cơ bản là được kế thừa phát triển các bài học kinh nghiệm quý trước đây; Đảng và Nhà nước ta có đường lối, chủ trương đúng đắn; hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh, các bộ, ngành, địa phương quan tâm và triển khai có nền nếp…  có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong sự nghiệp CNH, HĐH. Tuy nhiên, sự nghiệp tăng cường QP, AN trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; đặc biệt trong chiến tranh tương lai (nếu xảy ra) cùng với đánh phá ác liệt, địch tìm mọi cách bao vây, phong tỏa, cô lập ta về kinh tế, ngoại giao, cắt nguồn hậu cần quốc tế... trong khi nhu cầu rất lớn. Điều đó đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới rất phức tạp cần được nghiên cứu kỹ, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương dưới sự điều hành chung của Chính phủ trong quá trình động viên. Vì vậy, cần nâng cao hiệu quả động viên hậu cần trên cơ sở tiến hành đồng bộ các nội dung, giải pháp, trong đó tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau: 
 
1. Tiếp tục đổi mới tư duy về động viên.
 
Trong bối cảnh an ninh phức tạp hiện nay, kẻ địch luôn tìm mọi âm mưu và thủ đoạn chống phá ta, trong đó thực hiện "diễn biến hòa bình", thúc đẩy “tự diễn biến" đang trở thành chiêu bài cực kì nguy hiểm; đồng thời, chúng sẵn sàng tiến hành chiến tranh xâm lược khi có thời cơ nhằm xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng ta và chế độ XHCN. Trong khi những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, xói mòn lòng tin, phai nhạt lý tưởng trong một bộ phận cán bộ chậm được khắc phục, sự suy thoái kinh tế... đang hàng ngày, hàng giờ tác động chi phối tới mọi tổ chức, cá nhân. Việc quan tâm, đầu tư cho QP, AN (trong đó có động viên lực lượng dự bị) còn hạn chế. Phần đầu tư lưỡng dụng (trong các dây chuyền công nghệ, sản phẩm hàng hóa...) chưa hiện hữu rõ giá trị, bài toán cân đối QP, AN trong hoạt động kinh tế rất khó khăn, phức tạp cho lãnh đạo và điều hành các cơ sở. Những vấn đề đó đang đặt ra nhiều vấn đề mới cả về nhận thức và tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác động viên.
 

Công ty Xăng dầu khu vực 3 tổ chức huấn luyện cho quân nhân dự bị năm 2021.

 
Động viên hậu cần là bộ phận khăng khít của động viên quân đội thời chiến, gồm tổng thể các hoạt động nhằm huy động lực lượng, phương tiện, vật chất (gồm cả việc động viên dây chuyền, phân xưởng hoặc cả nhà máy...) và tiềm lực khoa học - công nghệ phục vụ cho hậu cần quân đội thời kì đầu hoặc trong quá trình chiến tranh (tiến hành ở quy mô động viên cục bộ hay tổng động viên) theo quy trình, tiến trình, phương pháp cụ thể trên cơ sở kế hoạch động viên được phê duyệt. Động viên hậu cần có nhiều đối tượng với sự tham gia của nhiều lực lượng, địch luôn tìm cách phá hoại nên cần tổ chức, hiệp đồng chặt chẽ. Vì vậy, thời bình cần quản lý chặt chẽ, chú trọng tạo nguồn vững chắc, huấn luyện chu đáo, kết hợp diễn tập có thực hành động viên để đánh giá khả năng và có giải pháp hoàn thiện, nâng cao chất lượng động viên, sẵn sàng đáp ứng kịp thời nhiệm vụ động viên trong các tình huống và khi có chiến tranh.
 
Tư duy là đặc trưng cơ bản, là cơ sở hành động của con người và nó vận động rất phức tạp, chịu sự tác động của yếu tố tự nhiên và xã hội, của chủ quan và khách quan... để chuyển hóa thành tư duy thống nhất và thường trực của từng người và tổ chức. Nhận thức về nhiệm vụ QP, AN và động viên hậu cần cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì vậy, nâng cao nhận thức, tạo lập tinh thần tự giác của chủ thể và đối tượng động viên hậu cần có ý nghĩa quan trọng. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là các cấp ủy, chính quyền điạ phương cần phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục với nội dung, quy mô, hình thức và phương pháp thích hợp với từng đối tượng. Cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp với nhiệm vụ QP, AN ở địa phương và xây dựng LLDBĐV: đổi mới, nâng cao chất lượng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề; tăng cường hiệu lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng; quản lý của UBND các cấp, đưa việc thực hiện chỉ thị, nghị định, pháp luật về xây dựng lực lượng động viên ở từng địa phương đi vào nền nếp; với sự phân công, phân cấp chặt chẽ cho từng cấp ủy viên, từng đảng viên theo dõi, chỉ đạo từng nội dung, từng lĩnh vực cụ thể.
 
Việc giáo dục kiến thức QP, AN cho cán bộ các cấp ở các tỉnh, thành phố, (có nội dung về công tác động viên cần) cần được chuẩn hóa trong chương trình, phân cấp cho từng đối tượng ở các mức đào tạo cụ thể do tỉnh, quân khu và Bộ đảm nhiệm. Hàng năm, các đối tượng được luân phiên đào tạo lại và đào tạo bổ sung (nhất là các đồng chí mới được bầu, bổ nhiệm) nhằm cập nhật kiến thức nâng cao nhận thức của cán bộ ngang tầm với cương vị đảm nhiệm và yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới. Đội ngũ giảng viên có sự chuẩn bị tương đối đồng bộ. Bên cạnh các chương trình tập huấn chuyên đề, việc nâng cao nhận thức QP, AN nói chung và việc tổ chức huy động về hậu cần nói riêng từ nền kinh tế được tiến hành lồng ghép và đánh giá kết quả trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KT - XH của các cơ sở, gắn quá trình thực hiện nhiệm vụ chức trách của cán bộ, đảng viên.
 
Tuy nhiên, thực tiễn đất nước, nhiệm vụ và tiềm lực kinh tế địa phương liên tục vận động phát triển... đòi hỏi phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện cả chương trình huấn luyện, khả năng và kiến thức QP, AN, công tác động viên để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả cao hơn. 
 
2. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ động viên. 
 
Năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ động viên của các cấp, các ngành, đơn vị, cá nhân có tính quyết định tới hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ. 
 
Một là, cần tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò quan trọng của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố theo tinh thần Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị nhằm tạo nguồn, quản lý, huấn luyện... xây dựng LLDBĐV hùng hậu, chất lượng cao. KVPT tỉnh, thành phố là mắt xích quan trọng, là cơ sở, nền tảng của thế trận và tiềm lực QP, AN của đất nước, nơi trực tiếp xây dựng, quản lý, huấn luyện LLHC dự bị cho các đơn vị hậu cần chiến lược, quân khu và KVPT địa phương mình, quân khu. Trong đó cấp cơ sở đóng vai trò nền tảng quyết định chất lượng xây dựng LLDBDV. 
 
Trong điều kiện hiện nay, nguồn dự bị có chuyên môn kỹ thuật cao (dược sỹ, bác sỹ... lái xe, thợ kỹ thuật) trong độ tuổi quy định ngày càng hạn hẹp và thường đi làm ăn phân tán rộng, rất khó quản lý và huy động khi cần nếu không phân cấp và phát huy vai trò quản lý trực tiếp của cấp cơ sở (thôn, xã, phường...).  
 
Đồng thời, cần phát huy vai trò các Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, Hội đồng Giáo dục Quốc phòng... của tỉnh, thành phố (tổ chức ở cấp tỉnh, thành phố; huyện, quận và xã, phường) trong đăng ký tạo nguồn, quản lý LLDBĐV. Có thể nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho thành lập Hội đồng bảo đảm quốc phòng thay thế cho các hội đồng hiện nay ở các địa phương và có quy chế cụ thể đầu tư ngân sách bảo đảm hoạt động thường xuyên của hội đồng (chứ không chỉ trong diễn tập, khi có tình huống và chiến tranh) làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, UBND các cấp về công tác QP, AN và hậu cần địa phương, góp phần xây dựng KVPT vững chắc về mọi mặt. Phối hợp với các ngành chức năng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT - XH với QP, AN, xây dựng lực lượng hậu cần tại chỗ trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu bảo đảm hậu cần của KVPT, sẵn sàng huy động, chi viện cho bộ đội chủ lực tác chiến trên địa bàn, địa phương bạn và theo yêu cầu.
 
Hai là, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP, AN, nhiệm vụ xây dựng LLDBĐV theo chức năng của các sở, ban, ngành của địa phương. Sau khi có nghị quyết, chủ trương lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền, chức năng chỉ đạo của các ban, sở, ngành giữ vai trò rất quan trọng, quyết định đến kết quả công tác động viên. Các ban, sở, ngành cần lựa chọn bố trí đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, trình độ, khả năng về chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu về QP, AN, có kiến thức quân sự, quan hệ chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Phải quy hoạch, tạo nguồn đào tạo và sử dụng hợp lý cán bộ đảm nhiệm công tác QP, AN đảm bảo sự kế cận, ổn định và tích lũy kinh nghiệm về công tác động viên. Khi cán bộ, thay đổi vị trí công tác, phải thực hiện đầy đủ thủ tục, nội dung bàn giao.
 
Đồng thời, duy trì thực hiện nghiêm túc, thành nền nếp việc bồi dưỡng kiến thức QP, AN, kiến thức công tác động viên do Bộ Quốc phòng, quân khu, tỉnh tổ chức cho cán bộ của ban, sở, ngành. Hàng năm, cử cán bộ chỉ đạo và tham gia diễn tập động viên do tỉnh, thành phố tổ chức; sau diễn tập có bổ sung, điều chỉnh kế hoạch động viên; đồng thời, phổ biến, thông báo những kinh nghiệm cho số cán bộ, nhân viên chưa tham gia diễn tập.
 
Quá trình hoạt động cần quan hệ chặt chẽ với các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan để hiệp đồng hỗ trợ, cùng thực hiện nhiệm vụ xây dựng, thanh tra, kiểm tra, bảo đảm cho công tác động viên. Thường xuyên thực hiện chế độ thỉnh thị, báo cáo, đề xuất tham mưu cho cấp ủy, UBND các cấp có những quyết sách đúng về thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, thực hiện xây dựng LLDBĐV theo chức năng.
 
Ba là, xây dựng và phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự địa phương các cấp trong thực hiện nhiệm vụ động viên. Cơ quan hậu cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tham mưu quân sự địa phương các cấp trong làm tham mưu cho chỉ huy trưởng để tham mưu cho cấp ủy, UBND, các ban, sở, ngành trong triển khai kế kế chỉ thị, chỉ tiêu động viên do Chính phủ (Bộ Quốc phòng) giao; và phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị nhận nguồn trong đăng ký tạo nguồn, tổ chức thành các đơn vị dự bị, quản lý huấn luyện, bảo đảm, tham gia giải quyết chế độ chính sách... 
 
Bốn là, trong thực hành động viên thời chiến cần chú trọng công tác phòng gian bảo mật, ngụy trang, nâng cao khả năng cơ động, phân tán nhanh; đồng thời, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tác chiến, KVPT địa phương trong bảo vệ an toàn cho động viên.
 
3. Vận dụng thực hiện sáng tạo các văn bản pháp quy, có các chính sách ưu đãi cho lực lượng động viên.
 
Công tác động viên chỉ thực sự có sức sống vững bền khi có hệ thống văn bản pháp quy khoa học hợp lý với những ưu đãi cần thiết đối với LLDBĐV (thông qua vốn đầu tư, bồi dưỡng nhân lực, bao tiêu sản phẩm…  ngay từ thời bình trong cơ chế thị trường.
 
Trong quá trình từng bước hoàn chỉnh các luật, Đảng và Nhà nước cần có các văn bản, chỉ thị hướng dẫn tỉnh, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố thực hiện ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân trong đối tượng động viên, làm cơ sở để từng địa phương tổ chức thực hiện và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Do từng tỉnh, thành phố, cơ sở có những đặc thù riêng nên việc thực hiện công tác này cũng có những điểm khác nhau, cần nghiên cứu vận dụng sáng tạo các quy định chung, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình cụ thể của tỉnh, thành phố trong từng thời kỳ, đáp ứng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Công tác động viên hậu cần có nhiều khâu, phạm vi rộng, phức tạp…  cần có cơ chế rõ ràng mới có thể vận hành hiệu quả. Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị, trong các luật hiện hành của Nhà nước ta (Luật Quốc phòng; Pháp lệnh Động viên công nghiệp; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản...) các chỉ thị về công tác động viên đã xác định rõ vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình thực hiện luôn có sự phát triển, nên định kỳ các cơ quan thực thi công tác động viên cần phát hiện đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh để ngày càng hoàn chỉnh hệ thống pháp quy, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 
⃰      ⃰
 
Động viên LLDB nói chung, hậu cần nói riêng trong chiến tranh là hoạt động có ý nghĩa chiến lược để giành thắng lợi như Lênin khẳng định: “… Ai có nhiều lực lượng dự bị hơn, ai có nhiều nguồn lực hơn thì người đó sẽ thu được thắng lợi”. Để nâng cao hiệu quả động viên hậu cần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), phải tiến hành sáng tạo, đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trước tiên là tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức, trình độ làm tham mưu, năng lực tổ chức điều hành thực hiện... và chú trọng công tác bảo vệ an toàn trong thực hành động viên; góp phần tăng cường sức mạnh Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Võ Nguyên Giáp - Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, Hà Nội, 1969, tr.133.
2. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND, Hà Nội, 1995 tr.289-291.
3. Công tác hậu cần chiến dịch Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 1998, tr.110.

ĐẠI TÁ, THS. TRẦN ĐÌNH QUANG