Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh chính sách cho phát triển công nghiệp

28/12/2022, 16:01

Trong năm qua, ngành công thương đã về đích nhiều chỉ tiêu; trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng dự kiến hơn 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Chiều 26/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành công thương năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Trong năm qua, ngành công thương đã về đích nhiều chỉ tiêu; trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng dự kiến hơn 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
 
*"Về đích" nhiều chỉ tiêu
 
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ rõ, năm 2022 sắp qua đi trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; xu hướng bảo hộ mậu dịch, xung đột lợi ích và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; nhất là xung đột Nga - Ukraine kéo dài cùng với các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga - một nước xuất khẩu nhiên liệu, lương thực và một số vật tư chiến lược lớn của thế giới, đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến kinh tế, thương mại, tài chính thế giới, cũng như gây thiếu hụt, đứt gãy các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; giá cả dầu thô và các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất biến động bất thường; lạm phát tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất ở nhiều nước dẫn tới tổng cầu thế giới giảm sút, tác động bất lợi đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
 
"Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, nhà nước; ngành công thương đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương và các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; chỉ đạo bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, năm 2022, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, dự kiến tăng hơn 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 4,8%). Cơ cấu nội ngành công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành, tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, giảm dần ngành công nghiệp khai khoáng và từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp công nghệ cao.
 
Ty trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng từ 85,5% năm 2021 lên hơn 86% năm 2022.
 
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Dự kiến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 tăng khoảng 9,5%; đóng góp tới hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho biết, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp đã chậm lại từ quý IV, các doanh nghiệp sản xuất đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ; doanh thu giảm, cắt giảm giờ làm, giảm lao động. Rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu.
 
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.
 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.
 
*Quyết liệt các giải pháp
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bước sang năm 2023, ngành công thương phấn đấu, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 8- 9% so với năm 2022; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022; cán cân thương mại duy trì xuất siêu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8-9% so với năm 2022.
 
Để tiếp tục đổi mới, bứt phá vươn lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu này, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung xây dựng Luật Phát triển công nghiệp và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng.
 
Đồng thời hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành công thương năm 2023, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành.
 
Cùng đó, Bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Đặc biệt trong ngành cơ khí, Bộ tập trung xây dựng Luật Phát triển ngành công nghiệp; trong đó tích hợp chính sách phát triển các ngành cơ khí trọng điểm, chú trọng các ngành ô tô; chế tạo thiết bị điện và năng lượng mới, tập trung vào các giải pháp để tạo thị trường, tạo các đơn hàng cho các doanh nghiệp cơ khí nội địa theo hướng có quy định kèm theo chế tài chặt chẽ việc sử dụng nhà thầu trong nước đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, nhất là các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, mua sắm Chính phủ…
 
Ngoài ra, liên quan tới lĩnh vực xăng dầu - lĩnh vực "điểm nóng" được dư luận quan tâm thời gian qua vì nguồn cung rối loạn, nhiều doanh nghiệp đầu mối kêu không nhập được xăng dầu, tạm dừng cung ứng cho tổng đại lý, đại lý hoặc bán chiết khấu 0 đồng, thậm chí âm…, đại diện Bộ Công Thương cho biết, năm 2022, Bộ đã triển khai các đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; triển khai đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước trực 24/24h để tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình kinh doanh tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, kịp thời xử lý những biến động bất thường trên thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, nguồn cung cho thị trường được đảm bảo, hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ găm hàng, giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết.
 
Về điều hành xăng dầu trong năm 2023, Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và trong nước, tình hình thực hiện nhập khẩu theo tổng nguồn đã được phân giao của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, đề xuất các giải pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; đồng thời tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định…

ĐỨC DŨNG/BNews.vn