Việt Nam giúp Cách mạng Lào về kinh tế, hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ

27/12/2021, 09:35

Điều kiện tự nhiên và lịch sử đã gắn kết vận mệnh hai nước Việt Nam - Lào với nhau. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước đã xây dựng nên tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, mẫu mực, thủy chung, trong sáng. Với tinh thần “Giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng, Chính phủ, quân và dân ta đã giúp Lào về mọi mặt, trong đó có kinh tế, hậu cần; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng hai nước. 

Chiến sĩ quân y quân tình nguyện Việt Nam tại Lào năm 1962

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp, âm mưu biến Việt Nam, Lào thành thuộc địa kiểu mới của chúng và ngăn chặn phong trào cách mạng ở Đông Dương. Cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào cùng có chung một kẻ thù. Sau khi bộ đội Pathet Lào về khu tập kết, ta đã cung cấp vật chất, trang bị để Bạn chấn chỉnh tổ chức, nâng cao sức chiến đấu, tham gia lực lượng vũ trang (LLVT) thống nhất trong Chính phủ Liên hiệp. Cùng với giúp Bạn củng cố căn cứ hậu phương (CCHP), ta còn giúp đào tạo 500 cán bộ hậu cần để kiện toàn cơ quan hậu cần Quân đội Pathet Lào (thành lập tháng 8/1956). Từ năm 1954 - 1959, Việt Nam đã viện trợ cho Lào 3.000 - 4.000 tấn lương thực/năm; bảo đảm về ăn, mặc, điều trị thương bệnh binh cho Quân đội Pathet Lào. 
 
Từ cuối năm 1959, cách mạng Lào chuyển sang giai đoạn kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, nhu cầu mọi mặt ngày càng lớn. Trước yêu cầu chi viện cho miền Nam và Lào, Bộ Chính trị Đảng ta quyết định thành lập Đoàn 559, (5/1959) mở đường Trường Sơn để thực hiện sứ mệnh đó.
 
Theo đề nghị của Bạn, ta đã thành lập các Đoàn chuyên gia quân sự 959 (9/1959), Đoàn 5 (3/1961) ở khu vực Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng), Đoàn 763 (7/1963) ở Hạ Lào để giúp bạn về: xây dựng LLVT, căn cứ kháng chiến và các khu vực hậu cần (Sầm Nưa, Cánh Đồng Chum, Khăm Muộn, Đường 9 - Nam Lào); tổ chức tạo nguồn hậu cần; xây dựng hệ thống tổ chức hậu cần Quân đội Pathet Lào; bảo đảm cho liên quân Việt - Lào tác chiến. Nhằm tạo thế bảo đảm vững chắc giữa Việt Nam và Lào, từ năm 1960 trở đi, ngoài Đường số 7, 8, 12, Việt Nam mở mới Đường 217, từ phía Tây Thanh Hóa (Sơn Điện) đến căn cứ Sầm Nưa dài 122 km; Đường 42 từ Điện Biên Phủ (Tây Trang) đi Sốp Nao dài 65 km, để tiếp tế cho Bắc Lào; đường từ Mộc Châu (Pa Háng) đi Sầm Nưa dài 98 km. 
 
Từ năm 1962, Mỹ tăng cường viện trợ, giúp chính quyền Viêng Chăn lấn chiếm vùng giải phóng, phá hoại Chính phủ Liên hiệp Lào, cô lập và vu cáo Neo-Lào-Hắc-Xạt. Ta và Bạn thống nhất đẩy mạnh xây dựng lực lượng quân sự và chính trị, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Theo đó, từ năm 1963 - 1964, hơn 2.000 chuyên gia quân sự, hậu cần (từ cơ quan Tổng tư lệnh đến các quân khu, tỉnh đội và cấp tiểu đoàn) sang giúp Bạn xây dựng LLVT, các kế hoạch tác chiến, các căn cứ kháng chiến. Quân tình nguyện Việt Nam và Bộ đội Pathet Lào phối hợp mở một số chiến dịch, mở rộng vùng giải phóng dọc biên giới hai nước. Đặc biệt, chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (1/3/1961) và chiến dịch Trung Lào (4/1961) đã giải phóng một vùng rộng gần 100 km2, từ Đường 12 xuống Đường 9 và từ Cha Ky đến phía Đông Pha Lan; nối liền vùng giải phóng dọc theo Đường 9 với vùng giải phóng Thượng Lào, tạo hành lang an toàn để mở tuyến đường Tây Trường Sơn. Qua đó, từ năm 1961 - 1965, ta vận chuyển chi viện cho Lào 17.732 tấn hàng, trong đó có 10.136 tấn hàng viện trợ quân sự do hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam vận chuyển; góp phần quan trọng vào xây dựng, củng cố tiềm lực căn cứ hậu phương (CCHP) của cách mạng Lào và bảo đảm cho tác chiến.
 

Liên quân Việt - Lào trong kháng chiến chống Pháp năm 1950.
 
Từ năm 1954 - 1964, Việt Nam đã chi viện cho Lào: 11.845 tấn gạo, 765 tấn muối, 996 tấn thực phẩm, 1.309 triệu đồng Việt Nam, 6 triệu đồng (ngân hàng Đông Dương), 1.061 kg bạc trắng, 3.961 tấn vũ khí đạn và thuốc quân y, 501 tấn quân trang quân dụng, 285 tấn hàng bách hóa, 1.171 tấn xăng dầu... và đào tạo giúp Bạn 1.766 cán bộ hậu cần. Những kết quả trên đã góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến to lớn của cách mạng Lào, tăng cường thế và lực cho cách mạng hai nước. Từ năm 1965, cách mạng Lào có bước phát triển mới, Bạn mở nhiều đợt tiến công tiêu diệt địch; vùng giải phóng và các CCHP được mở rộng. Đầu năm 1968, Bạn phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở chiến dịch Nậm Bạc, đập tan âm mưu của địch chiếm bàn đạp tiến công vùng giải phóng; phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 ở miền Nam Việt Nam.
 
 Để hậu cần Quân đội Pathet Lào ngày càng vững mạnh, tự đảm nhiệm công việc một cách toàn diện, ta xác định: "Giúp bạn cơ bản, toàn diện, liên tục, lâu dài". Theo đó, Tổng cục Hậu cần kiện toàn các tổ chức hậu cần giúp bạn; phân công, phân nhiệm giữa Tổng cục với các cục nghiệp vụ, hậu cần quân khu, Đoàn 559 và hậu cần các đơn vị quân tình nguyện. Chuyên gia hậu cần tiếp tục giúp Bạn xây dựng bộ máy hậu cần đồng bộ, gọn nhẹ, tinh giản, phù hợp thực tế; bảo đảm chỉ huy, chỉ đạo hậu cần tập trung, thống nhất; phát huy tính tự lực, chủ động của từng cấp, địa phương của Lào; xây dựng các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách, nền nếp công tác chính quy, phát huy tính tự lực cánh sinh của Bạn... 
 
Trên cơ sở quy hoạch của Bạn, từ năm 1965 - 1968, ta giúp đào tạo cán bộ hậu cần ở Việt Nam và gửi đi đào tạo ở các nước anh em. Tổng cục Hậu cần và hậu cần các quân khu còn giúp Bạn mở các trường, lớp tại Lào để đào tạo nhân viên hậu cần. Giai đoạn này, LLVT của Bạn phát triển, mở được một số đợt tác chiến độc lập và phối hợp tác chiến với quân tình nguyện Việt Nam trong các chiến dịch (phòng ngự Phu Cút năm 1965, tiến công Binh đoàn cơ động 17 của địch ở Tha Thơm năm 1966 - 1967, đánh địch lấn chiếm Nam Xiêng Khoảng từ 10/1967 - 2/1968, chiến dịch Nậm Bạc tháng 1/1968). 
 
Từ năm 1965 - 1968, ta giúp Bạn tiếp nhận viện trợ quốc tế 20.000 tấn hàng/năm (có 4.000 tấn hàng quân sự) và 100 xe cơ giới. Việt Nam viện trợ cho Lào giai đoạn này khoảng 85 triệu (VNĐ), trong đó viện trợ quân sự chiếm 32% và giúp Bạn vận chuyển quá cảnh 16.000 tấn/năm. Ngoài ra, ta còn viện trợ bổ sung cho Bạn một số mặt hàng thiết yếu khi viện trợ quốc tế không cung cấp kịp (năm 1966 trên 1.000 tấn, năm 1968 hơn 3.000 tấn). Những kết quả trên đã đáp ứng nhu cầu hậu cần cho xây dựng, chiến đấu trước mắt; vừa đáp ứng phần nào yêu cầu toàn diện, cơ bản, lâu dài của Bạn. 
 
Sau năm 1968, Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược, tăng viện trợ, đưa thêm cố vấn và nhân viên kỹ thuật giúp chính quyền phái hữu Lào. Lúc này, LLVT cách mạng Lào phát triển nhanh, đầu năm 1973 có gần 10 vạn quân; riêng LLVT Pathet Lào có 35.150 bộ đội chủ lực và địa phương, 64.168 dân quân du kích, được trang bị khá tốt. Thực hiện chủ trương của hai Đảng, ta giúp và phối hợp tác chiến với Bạn trên khắp chiến trường Lào với quy mô ngày càng lớn.
 
 Nhằm nâng cao khả năng bảo đảm của Bạn, ta đã ra sức giúp xây dựng ngành Hậu cần Quân đội Lào toàn diện. Đến cuối năm 1972, số cán bộ hậu cần được ta đào tạo đã phụ trách các ngành từ cấp trung đoàn trở lên; trong đó có 16 cán bộ chỉ huy tham mưu hậu cần; 251 bác sĩ, dược sĩ, y sĩ; 62 cán bộ quân nhu; 198 cán bộ quân giới; 132 cán bộ xăng dầu; 62 cán bộ tài vụ... Bạn đã tự đảm nhiệm tốt các mặt bảo đảm hậu cần ở các đơn vị. Vì vậy, chuyên gia hậu cần ở các địa phương, đơn vị được rút tập trung về cấp Trung ương để giúp bạn những vấn đề lớn, cơ bản, lâu dài như xây dựng lực lượng, kiện toàn bộ máy, xây dựng nền nếp công tác hậu cần; xây dựng khu vực hậu cần các quân khu, tỉnh; bảo đảm cho Liên quân Việt - Lào chiến đấu bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng của Lào. 
 
Từ năm 1969 - 1972, viện trợ của Việt Nam cho Lào trị giá 183.678.306 đồng (VNĐ). Ta còn giúp Bạn tiếp nhận 20.000 tấn hàng viện trợ quốc tế/năm. Riêng viện trợ quân sự, ta giúp bạn tiếp nhận 18.831 tấn hàng và nhiều xe quân sự. 
 
Sau Hiệp định Pari về Việt Nam, ngày 21/2/1973 đế quốc Mỹ và phái hữu Lào cũng buộc phải ký Hiệp định Viêng Chăn, lập lại hòa bình ở Lào. Cách mạng Lào bước vào thời kỳ đấu tranh chính trị trên thế mạnh là chủ yếu. Quân đội ta phối hợp với các lực lượng khác được Đảng, Nhà nước ta phái sang giúp Bạn về mọi mặt, xây dựng LLVT ba thứ quân ngày càng phát triển mạnh mẽ, củng cố vùng giải phóng ngày càng vững chắc; kiên quyết đánh bại những cuộc hành quân lấn chiếm của địch.
 
Đẩy mạnh giúp cách mạng Lào về hậu cần, đầu năm 1974 Tổng cục Hậu cần đã xây dựng kế hoạch giúp Bạn; tăng cường tiếp nhận, vận chuyển viện trợ quốc tế cho Bạn; giúp tổng kiểm tra nắm thực lực, kiện toàn tổ chức hậu cần Trung ương và các quân khu; xây dựng cơ sở vật chất và nền nếp công tác hậu cần... Từ năm 1972 - 1975, ngoài tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày, ta đã đào tạo giúp Bạn 805 cán bộ, nhân viên hậu cần. Chuyên gia hậu cần Việt Nam tập trung giúp Bạn nghiên cứu những vấn đề lớn, cơ bản về xây dựng lực lượng, căn cứ; phương thức tổ chức bảo đảm hậu cần; chỉ đạo bảo đảm cho chiến tranh, chiến lược, chiến dịch; xây dựng hậu cần các đơn vị chủ lực; xây dựng lực lượng vận tải quân sự, mở rộng các đường giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu bảo đảm khi bộ đội chủ lực Lào phát triển; xây dựng đơn vị tập trung cấp trung đoàn, lữ đoàn... Tổng cục Hậu cần còn giúp Bạn xây dựng hệ thống kho hậu cần trên các hướng, các địa bàn; xây dựng các trạm, xưởng sửa chữa vũ khí, xe máy; các bệnh viện, bệnh xá; cơ sở sản xuất, chăn nuôi, chế biến, may mặc và một số doanh trại (trong đó có Bộ chỉ huy tối cao Quân đội nhân dân Lào, Bệnh viện Trung ương Quân đội Lào). Mặt khác, ta còn đáp ứng các yêu cầu cấp thiết, đột xuất cho LLVT của Bạn; giúp chuyển 1.500 tấn vật chất bằng đường không cho các đơn vị Pathet Lào vào đóng quân ở Viêng Chăn và Luông Pha Băng theo Hiệp định Viêng Chăn (7/1973) kịp thời và an toàn. Cuối năm 1975, ta đã giúp bảo đảm hậu cần cho LLVT cách mạng Lào đồng loạt tiến quân từ các khu căn cứ về các vùng đô thị, đồng bằng; hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh giành chính quyền thắng lợi, lập nên nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (2/12/1975).
 
٭    ٭
٭
 
Thấm nhuần quan điểm "Giúp bạn là tự giúp mình", trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với cách mạng Lào. Về hậu cần, ta đã giúp cách mạng Lào cơ bản, toàn diện, liên tục, lâu dài; góp phần xây dựng ngành Hậu cần LLVT cách mạng Lào ngày một lớn mạnh, trưởng thành, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc Lào. Với tinh thần hậu phương đáp ứng vô điều kiện mọi yêu cầu của tiền tuyến, hậu cần Việt Nam vừa là tuyến sau của hậu cần toàn Lào, vừa là tuyến sau của hậu cần mỗi quân khu, khu vực tác chiến của Lào. Đó là những kinh nghiệm quý cần được nghiên cứu, vận dụng trong xây dựng thế trận và tiềm lực hậu cần mỗi nước, tăng cường tình hữu nghị đặc biệt giữa ngành hậu cần quân đội hai nước Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tổng kết hậu cần trong KCCM cứu nước (1954-1975). Nxb QĐND. H 2001.
2. Lịch sử hậu cần QĐND, tập 2. Nxb QĐND. H 1999.
3. Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế của TCHC (1949-2014). Nxb QĐND. H 2018.

Thượng tá, TS. Lê Thành Công
Đại tá, ThS. Trần Đình Quang