Chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đối với Chiến dịch Thượng Lào 1953

15/04/2023, 16:30

Cách đây 70 năm (1953 - 2023), thực hiện chủ trương tăng cường liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào của Trung ương Đảng ta và quán triệt sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với vai trò là cơ quan chỉ đạo quân sự Trung ương, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định phối hợp cùng quân và dân Lào mở Chiến dịch Thượng Lào nhằm “tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, xây dựng căn cứ đứng chân cho Bạn, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, đồng thời tạo điều kiện để bộ đội rèn luyện đánh tập đoàn cứ điểm nhỏ” [1].

Sau gần một tháng vận động truy kích địch, các đơn vị tham gia chiến dịch đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chiến dịch đề ra, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn, mở rộng địa bàn đứng chân của lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng của Lào với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế chiến lược rất có lợi cho cách mạng ba nước Đông Dương. Đánh giá về thắng lợi này, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khẳng định, đó là “Thắng lợi đầu tiên của Quân đội nhân dân ta, của bộ đội chủ lực ta trong quá trình phối hợp chiến đấu với quân đội và nhân dân nước Bạn, thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta, của nhân dân ta đối với cách mạng Pathét Lào” [2]. Góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn này có vai trò chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện trên một số nội dung sau:
 
Một là, nhạy bén nắm bắt thời cơ, hình thành ý định chiến dịch, tích cực chỉ đạo xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch, quyết tâm tác chiến chiến dịch
 
Ngay sau khi Chiến dịch Tây Bắc 1952 kết thúc, trên cơ sở phân tích tình hình thực tế trên các chiến trường ở Đông Dương, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã đặt vấn đề và chỉ đạo nghiên cứu lựa chọn hướng hoạt động trong thời gian tiếp theo. Qua phân tích tình hình, những thuận lợi, khó khăn, đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng Quân ủy và đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Phó Bí thư Tổng Quân ủy thống nhất chủ trương mở chiến dịch ở hướng Thượng Lào và đề xuất đưa ra bàn kỹ trong hội nghị Tổng Quân ủy, đồng thời xin chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về mở Chiến dịch Thượng Lào. Trong khi chờ xin chỉ thị, nhằm chủ động với ý định chiến dịch đã hình thành, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ thị và chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, làm cơ sở cho việc mở Chiến dịch Thượng Lào.
 
Tháng 01 năm 1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ tư (khóa II) xác định: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch, mở rộng vùng tự do. Đó là phương hướng chiến lược của ta hiện nay” [3]. “Quân đội ta phải đánh địch ở những nơi địch sơ hở, đồng thời phải hoạt động mạnh sau lưng địch”. “Bất kỳ ở miền núi hay đồng bằng, quân đội ta phải chuẩn bị đánh những lực lượng, những cứ điểm ngày càng mạnh của địch” [4].
 
Trên cơ sở phương hướng chiến lược và phương châm tác chiến do Trung ương Đảng xác định và ý định chiến dịch đã hình thành, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá về binh yếu địa chí, tình hình địch, ta ở Thượng Lào đặt trong mối quan hệ chiến lược với các chiến trường khác ở Đông Dương, làm cơ sở để hiện thực hóa ý định mở Chiến dịch Thượng Lào.
 
Trong khi đó, sau thất bại ở Tây Bắc, nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào, đầu năm 1953, tướng Xalăng - Tổng Chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy của Bộ Chỉ huy Quân đội Pháp ở Bắc Bộ Việt Nam; đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện, xây dựng những công sự, điểm tựa kiên cố, biến Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm theo kiểu “Nà Sản” trên đất Lào.
 
Để có thêm cơ sở mở Chiến dịch Thượng Lào, ngày 02/02/1953, Tổng Quân ủy tổ chức Hội nghị mở rộng. Đánh giá về những điều kiện thuận lợi, Hội nghị xác định: “Ta có thể tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, tranh thủ được nhân dân Lào, xây dựng được căn cứ đứng chân cho Bạn. Địch buộc phải phân tán lực lượng thêm nữa. Bộ đội ta được rèn luyện đánh tập đoàn cứ điểm nhỏ trước khi đánh tập đoàn cứ điểm lớn” [5]. Ngay sau Hội nghị, đồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy báo cáo và được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Chính phủ kháng chiến Lào nhất trí với đề nghị mở Chiến dịch Thượng Lào của Tổng Quân ủy.
 
Thực hiện vai trò chỉ đạo chiến lược, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các cơ quan, nhất là Bộ Tổng Tham mưu tiến hành trinh sát, nghiên cứu tình hình, xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch, quyết tâm tác chiến chiến dịch. Đến tháng 3 năm 1953, kế hoạch tác chiến Chiến dịch Thượng Lào được hoàn thành. Về mục đích chiến dịch: Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, buộc chúng phải phân tán thêm chủ lực ở Bắc Bộ Việt Nam, giải phóng Sầm Nưa, tạo điều kiện hỗ trợ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào phát triển mạnh hơn nữa, rèn luyện bộ đội Việt Nam về chiến thuật đánh tập đoàn cứ điểm.
 
Theo kế hoạch tác chiến, hướng chủ yếu của chiến dịch là Sầm Nưa, gồm các Đại đoàn 308 (3 trung đoàn), 312 (2 trung đoàn), Trung đoàn 98 của Đại đoàn 316 theo Đường số 6 tiến sang Sầm Nưa. Phối thuộc cho các đơn vị ở hướng chủ yếu có các đại đội pháo binh, công binh, súng máy phòng không, thông tin, trinh sát của Bộ, phối hợp với Đoàn 80 thuộc Quân tình nguyện Việt Nam ở Sầm Nưa và quân, dân Lào thực hành bao vây, tiêu diệt quân địch theo cách đánh tập đoàn cứ điểm; hướng thứ yếu là Xiêng Khoảng, gồm Đại đoàn 304 từ Nghệ An hành quân theo Đường số 7 tiến sang phối hợp với Quân tình nguyện Việt Nam thuộc Đoàn 81 và lực lượng vũ trang cách mạng Lào chặn đường rút lui của địch từ Sầm Nưa xuống. Trên hướng phối hợp ở khu vực sông Nậm Hu có Trung đoàn Bộ binh 148, cùng Quân tình nguyện Việt Nam thuộc Đoàn 82 và lực lượng vũ trang cách mạng Lào; lực lượng dự bị chiến dịch có Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) đứng chân ở khu vực Mộc Châu sẵn sàng tham gia chiến đấu trên hướng chủ yếu [6].
 
Bộ Chỉ huy Chiến dịch gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị, Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Cung cấp. Về phía Bạn, có Hoàng thân Xuphanuvông (Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào), đồng chí Cayxỏn Phômvihản (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào), đồng chí Sỉngcapô (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào) và đồng chí Thao Ma Khảy Khămphithun (Bí thư Tỉnh ủy Sầm Nưa).
 
Như vậy, trên cơ sở hình thành ý định chiến dịch, dựa vào phương hướng chiến lược và phương châm tác chiến của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch, quyết tâm tác chiến chiến dịch, bảo đảm cho Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào giành thắng lợi trong Chiến dịch Thượng Lào.
 
Hai là, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị chiến dịch, kết hợp giữ vững thế tiến công chiến lược trên các chiến trường
 
Song song với quá trình chỉ đạo xây dựng và hoàn chỉnh kế hoạch, quyết tâm tác chiến chiến dịch, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tập trung chỉ đạo xúc tiến công tác chuẩn bị Chiến dịch Thượng Lào, kết hợp giữa chuẩn bị lực lượng tham gia chiến dịch, tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị chiến dịch, huấn luyện quân sự, tạo thế, giữ bí mật bất ngờ, nghi binh và bảo đảm cung cấp vũ khí, trang bị cho chiến dịch. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng giữ vững và đẩy mạnh thế tiến công chiến lược trên các chiến trường Đông Dương.
 
Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, các đơn vị tham gia chiến dịch tiến hành củng cố tổ chức biên chế, trang bị, làm tốt công tác giáo dục động viên chính trị tư tưởng và huấn luyện quân sự. Về công tác huấn luyện quân sự, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo nghiên cứu chiến thuật đánh tập đoàn cứ điểm, hình thức phòng ngự cao nhất của địch và cũng là yêu cầu tất yếu phải tiến tới của Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn tiến công và phản công chiến lược.
 
Cuối tháng 02/1953, Tổng Quân ủy mở Hội nghị nghiên cứu chiến thuật đánh tập đoàn cứ điểm. Những cán bộ dự hội nghị đã thấy được chỗ mạnh, chỗ yếu trong phòng ngự tập đoàn cứ điểm của địch; đồng thời, đưa ra một số cách đánh, cách khắc phục hỏa lực địch, chiến đấu ban ngày và liên tục chiến đấu. Tiếp đó, đầu tháng 3/1953, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và lãnh đạo Chính phủ kháng chiến Lào trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch dự kiến hai khả năng có thể xảy ra khi ta bắt đầu hoạt động: Địch có thể tăng quân lên Sầm Nưa từ 5 đến 6 tiểu đoàn để chống trả ta tiến công, hoặc chúng có thể rút chạy khi thấy nguy cơ bị tiêu diệt. Trên cơ sở đó, để đánh thắng địch trong tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị huấn luyện bộ đội đánh công kiên theo phương pháp bố trí mới của địch.
 
Công tác chuẩn bị bảo đảm cung cấp chiến dịch gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do địa bàn chiến dịch xa hậu phương. Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp chỉ đạo, đôn đốc các địa phương và tăng cường cán bộ nhằm xúc tiến nhanh kế hoạch cung cấp cho chiến dịch. Các kho lương thực, vũ khí, đạn, các tuyến đường vận chuyển tiếp tế được bố trí thành hệ thống. Lực lượng dân công và các phương tiện vận tải được huy động với quy mô lớn ở các địa phương.
 
Trong không khí chuẩn bị sôi nổi, ngày 03/4/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch. Người căn dặn: “Lần này là lần đầu tiên, các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình. Để làm tròn nhiệm vụ chiến đấu, từ trên xuống dưới, các chú cần: Vượt mọi khó khăn, thi đua diệt địch, chiến đấu anh dũng ở bên đó cũng như ở ta. Nêu cao tinh thần quốc tế, tôn trọng chủ quyền, tôn trọng phong tục tập quán, kính yêu nhân dân của nước bạn. Tuyệt đối giữ gìn kỷ luật, giữ gìn danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam” [7].
 
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 06/4/1953, cơ quan chính trị chiến dịch ra chỉ thị về “Công tác chính trị Chiến dịch X”, trong đó nêu bật: “Chiến dịch này không những củng cố được thắng lợi của Chiến dịch Tây Bắc, tạo điều kiện cho ta tiêu diệt sinh lực địch trong những chiến dịch sau, đưa bộ đội ta tiến lên một bước mới về công kiên chiến, nó còn có một ý nghĩa quốc tế rất lớn lao và quan trọng… Phải kiên quyết tiêu diệt địch, phải đánh tiêu diệt chiến... Phải khẩn trương nhanh chóng… Phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng, bền bỉ, gan dạ của bộ đội, bảo đảm mọi nhiệm vụ chiến đấu” [8].
 
Tiếp đến, ngày 09/4/1953, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy - Tổng Tư lệnh ra lời kêu gọi gửi đến bộ đội chủ lực, bộ đội tình nguyện Việt Nam, nhấn mạnh: “Nhiệm vụ phối hợp tác chiến với bộ đội và nhân dân Pathét Lào là một nhiệm vụ vẻ vang của quân đội ta, một nhiệm vụ vẻ vang đối với sự nghiệp giải phóng của nước bạn, cũng như đối với công cuộc kháng chiến của nước ta… Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế chân chính chúng ta nhất định chiến thắng trong chiến dịch này” [9].
 
Cùng với việc chỉ đạo trực tiếp chuẩn bị Chiến dịch Thượng Lào, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh kết hợp chỉ đạo giữ vững và đẩy mạnh thế tiến công chiến lược trên các chiến trường Đông Dương. Theo đó, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào phát triển phong trào du kích chiến tranh trên địa bàn Thượng Lào nhằm tạo thế cho chiến dịch. Các mặt trận Đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, Nam Bộ Việt Nam phát triển chiến tranh nhân dân, củng cố hậu phương chiến dịch. Cùng với đó, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh tích cực chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động nghi binh thu hút sự chú ý của quân địch vào hướng Nà Sản, tiếp tục giam chân chúng trong tình trạng khủng hoảng về quân số, cũng như về chiến lược giữa phân tán và tập trung trên các chiến trường Đông Dương. Như vậy, dưới sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, các lực lượng vũ trang ta và Bạn vừa đẩy mạnh công tác chuẩn bị, kết hợp giữ vững thế tiến công chiến lược trên các chiến trường, sẵn sàng bước vào chiến đấu theo kế hoạch.
 
Ba là, chỉ đạo nhanh chóng hạ quyết tâm chuyển từ đánh công kiên sang vận động truy kích tiêu diệt địch
 
Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến dịch, từ đêm 21/3/1953, các đơn vị tham gia chiến dịch bắt đầu hành quân đến vị trí tập kết. Trên hướng chủ yếu, Đại đoàn 312 và 308 hành quân từ Phú Thọ lên tập kết ở Mộc Châu (Sơn La); Tiểu đoàn 999 thuộc Đại đoàn 316 bắt đầu thực hiện kế hoạch nghi binh đánh vào Nà Sản. Trên hướng thứ yếu, từ ngày 31 tháng 3, Đại đoàn 304 bắt đầu rời Anh Sơn (Nghệ An) vào tập kết ở Khe Kiều, ngay sát biên giới Việt Nam - Lào.  
 
Ngày 08/4/1953, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh cho các đơn vị tham gia chiến dịch nhanh chóng vượt qua biên giới, hành quân đến mục tiêu tiến công với tinh thần “hành quân cực kỳ nhanh chóng, cực kỳ bí mật”, để làm cho quân Pháp “có muốn trở tay cũng không kịp” [10]. Phương châm chỉ đạo tác chiến chiến dịch được Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ: “Dùng lối bôn tập chiến dịch, nhanh chóng hành quân từ xa đến bao vây, khống chế địch không cho chúng tăng viện hoặc rút lui. Tiến hành công kích điểm cao quan trọng ở ngoại vi, tranh thủ nhanh chóng đánh sâu vào tung thâm, chia cắt quân địch ra mà tiêu diệt” [11].
 
Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, các đơn vị khẩn trương hành quân sang đất bạn. Trong các ngày 10, 11, 12 tháng 4 năm 1953, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đã vượt qua Mường Hung tiến thẳng đến Sầm Nưa. Bám sát Trung đoàn 98 là Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Qua tin tức nắm được, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Chiến dịch điện nhắc các đơn vị đi trước “Địch có thể rút Sầm Nưa… Không bỏ lỡ thời cơ, bộ đội tăng tốc hành quân” [12].
 
Phát hiện các đơn vị chủ lực của ta ở nhiều hướng đang hành quân về phía Tây, mà điểm hội tụ là khu vực Sầm Nưa, Bộ Chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương phán đoán, ta sẽ mở chiến dịch đánh vào Sầm Nưa, giải phóng vùng Thượng Lào. Cuối tháng 3/1953, tướng Xalăng quyết định “kìm chân đối phương” bằng việc mở hai cuộc hành binh đánh vào Ninh Bình, Thanh Hóa và từ Nà Sản tiến về hướng Mộc Châu để giam chân và buộc chủ lực đối phương phải quay lại đối phó. Nhưng cả hai cuộc hành binh này đều không đem lại kết quả.
 
Trong khi đó, sau khi nhận được tin: “Chủ lực đối phương đang tiến về ào ạt” [13], Xalăng nhận thấy, nếu cố thủ Sầm Nưa bằng mọi giá trước ưu thế áp đảo của đối phương thì khó tránh khỏi thất bại. Do vậy, nhằm bảo toàn lực lượng, ngay trong ngày 12/4/1953, Tổng Chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương quyết định rút toàn bộ quân khỏi Sầm Nưa về phía Nam.
 
Ngày 12/4/1953, khi các đơn vị đi đầu của ta chỉ còn cách Sầm Nưa gần một ngày đường, tướng Xalăng đã ra lệnh cho toàn quân lính đồn trú rút khỏi Sầm Nưa ngay trong đêm. Đến trưa ngày 13/4/1953, toán địch sau cùng rút chạy khỏi thị xã.
 
Trước tình hình đó, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch thống nhất chỉ đạo bộ đội chuyển sang truy kích ngay. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Chiến dịch lệnh cho các đơn vị: “Địch đã bỏ Sầm Nưa chạy. Sầm Nưa đã giải phóng. Nhưng muốn giúp nước bạn củng cố căn cứ địa đó thì chúng ta phải tiêu diệt cho kỳ được sinh lực địch… Đường rút chạy của chúng khá xa, tinh thần chúng càng kém… chúng ta phải khắc phục tất cả khó khăn… chuyển thành quyết tâm diệt địch trong trận truy kích này. Đó là nhiệm vụ chúng ta phải làm cho kỳ được, vượt lên thực nhanh, bám sát và chia cắt địch, chặn đường rút lui của chúng, tiêu diệt cho giòn, cho gọn” [14]. Như vậy, trước tình huống chiến dịch thay đổi, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhạy bén nắm chắc tình hình, kịp thời hạ quyết tâm chỉ đạo các đơn vị tham gia chiến dịch nhanh chóng chuyển từ đánh địch trong công sự vững chắc thành vận động truy kích địch. Đây là quyết định đúng đắn, kịp thời, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến dịch.
 
Bốn là, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến, góp phần giành thắng lợi chiến dịch
 
Ngay sau khi địch rút khỏi Sầm Nưa, ngày 14/4/1953, Tổng Quân ủy tiến hành họp Hội nghị mở rộng, nhận định: “Trước sự uy hiếp của ta, địch phải vội vã rút bỏ Sầm Nưa vào đêm 12 tháng 4 và sáng 13 tháng 4. Chiều 13 tháng 4, bộ đội ta bắt đầu truy kích… Địch rút Sầm Nưa là để bảo toàn lực lượng. Nhưng rút Sầm Nưa là địch bỏ ngỏ Thượng Lào, mất một vùng có tính chất chiến lược quan trọng… một thất bại lớn về chính trị” [15]. Để kịp thời truy kích địch, Tổng Quân ủy hạ quyết tâm, lệnh cho Đại đoàn 308 không kể ngày đêm, gấp rút đuổi địch, không cần chờ đầy đủ bộ đội, bộ phận nhẹ cho đi trước; đồng thời, điện cho Đại đoàn 304 tiến nhanh lên Đường số 7 chặn quân địch từ trên chạy xuống. Các Trung đoàn 102 và 36 cũng nhận được chỉ thị trực tiếp của Tổng Quân ủy, lập tức cho bộ đội xuất phát. Cùng với đó, các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Cung cấp và Ban cán sự Thượng Lào đều được chỉ thị của Tổng Quân ủy tập trung lực lượng phục vụ cho nhiệm vụ truy kích, coi đó là trọng tâm công tác [16].
 
Chấp hành mệnh lệnh của Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, các hướng đẩy mạnh truy kích địch. Ngay trong ngày 13/4/1953, Tiểu đoàn 888 bắt được toàn bộ ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa, 40 lính dõng tại Mường Hàm. Sáng ngày 14 tháng 4, Trung đoàn 98 gặp địch ở chân đèo Nà Noọng, diệt 50 tên, bắt 15 lính Âu Phi, 206 lính ngụy. Cùng thời gian, Trung đoàn 102 cùng bộ phận thuộc Trung đoàn 209 gặp địch tại Hứa Mường, diệt khoảng 1 đại đội, trong đó có 40 lính Âu. Một đại đội thuộc Trung đoàn 88 truy kích về hướng Bản Ban. Một bộ phận thuộc Trung đoàn 209 truy kích theo hướng Đông Nam Sầm Nưa tới Sầm Tớ (Tây Nam Sầm Nưa 60 km). Tàn quân địch trên hướng chủ yếu chạy về Cánh Đồng Chum.
 
Trong khi đó, trên hướng thứ yếu, ngày 15/4/1953, địch rút khỏi Noọng Hét và Bản Ban. Trung đoàn 66 và tiểu đoàn bộ đội Lào phối hợp vào tiếp quản Noọng Hét; Trung đoàn 9 tiếp quản Bản Ban; 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 9 tiến về Sầm Nưa phối hợp với hướng chính, tiểu đoàn còn lại tiến theo Đường số 7 vào Khăng Khay. Ngày 18 tháng 4, Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 áp sát thị xã Xiêng Khoảng, địch hoảng sợ rút về co cụm ở Cánh Đồng Chum.
 
Tại khu vực sông Nậm Hu (hướng phối hợp), Trung đoàn 148 cùng bộ đội tình nguyện và lực lượng vũ trang Lào đẩy mạnh hoạt động tiến công. Ngày 21 tháng 4, diệt 1 đại đội ở Mường Ngòi và buộc địch ở đồn Nậm Bạc rút chạy; ngày 23 tháng 4, Trung đoàn 98 từ phía Nam lên phối hợp tiến đánh vị trí Mường Khoa; ngày 26 tháng 4, diệt vị trí Pắc Sàng và chặn đánh địch ở Bản Sẻ. Phát huy thắng lợi đã giành được, trong những ngày cuối tháng 4/1953, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Lào tiếp tục tổ chức truy kích các toán quân địch rút chạy; đồng thời tăng cường hoạt động gây sức ép ở Luông Pha Băng, khiến Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương phải gấp rút điều 2 tiểu đoàn thuộc Binh đoàn cơ động 1 (GM1) từ Nà Sản sang xây dựng thành tập đoàn cứ điểm bảo vệ kinh đô Luông Pha Băng. Ngày 02 và 03/5/1953, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức Hội nghị Tổng kết Chiến dịch tại Sầm Nưa. Khuếch trương thắng lợi chiến dịch, ngày 17 tháng 5, Trung đoàn 98 phối hợp với Trung đoàn 148 nổ súng tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Mường Khoa, loại khỏi vòng chiến đấu 300 tên.
 
Ngay sau khi Chiến dịch Thượng Lào kết thúc, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đề ra nhiệm vụ tổ chức tiếp quản thị xã Sầm Nưa và những vùng vừa mới giải phóng, đẩy mạnh tuyên truyền chiến thắng trong nhân dân và đề nghị cùng Chính phủ kháng chiến Lào tổ chức “Tuần lễ đoàn kết Việt - Lào” để bộ đội tích cực tham gia vào công tác củng cố địa phương. Đồng thời, để lại một số đơn vị chủ lực cùng Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân và dân Lào củng cố vùng giải phóng, xây dựng Sầm Nưa thành căn cứ địa kháng chiến của cả nước.
 
Chiến thắng Thượng Lào có ý nghĩa vô cùng to lớn không những đối với cách mạng Lào, mà còn mở ra những điều kiện mới, thuận lợi để quân và dân ba nước Đông Dương tiến lên giành những thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời, qua đó khẳng định vai trò quyết định của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo Chiến dịch giành thắng lợi.
 
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu cao hơn. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, còn có nhiều khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới, khu vực đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; thường xuyên làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, từ đó tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp phù hợp trong việc hoạch định các chính sách, đối sách, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, bổ sung, phát triển các chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự; xây dựng, hoàn thiện kế hoạch phòng thủ đất nước; phương hướng và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; triển khai thực hiện có hiệu quả một số đề án trọng điểm nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là các địa bàn chiến lược, quan trọng. Tập trung đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện theo Nghị quyết 1659-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương, tạo chuyển biến mạnh mẽ về trình độ huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là khả năng cơ động, tác chiến trong điều kiện và đối tượng tác chiến mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội và các biện pháp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ luôn có ý chí quyết tâm cao, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo xây dựng và phát triển khoa học nghệ thuật quân sự trong điều kiện gắn với phát triển ngành công nghiệp quốc phòng; nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí phù hợp với điều kiện địa hình, cách đánh và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện công tác đối ngoại quân sự, quốc phòng theo phương châm “tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Chỉ đạo đẩy mạnh mở rộng và tăng cường hợp tác quân sự - quốc phòng với các nước, nhất là với các nước láng giềng, ASEAN… nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Cùng với đó, Quân ủy Trung ương cần thực hiện tốt vai trò trực tiếp lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, xây dựng các tổ chức Đảng trong Quân đội trong sạch, vững mạnh. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng “tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”[17], góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
70 năm đã trôi qua, nhưng thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào vẫn còn nguyên giá trị, để lại nhiều bài học quý về sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch đúng đắn, kiên quyết, sáng tạo của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó keo sơn “chí nghĩa, chí tình” giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt, cùng nhau giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước.
 

[1] - Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 411.

 
[2] - Bộ Tổng Tham mưu - Ban Tổng kết, biên soạn Lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), 1991, tr. 681.
 
[3] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8 (1953 - 1954), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 28.
 
[4] - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 375.
 
[5] - Bộ Tổng Tham mưu - Ban Tổng kết, biên soạn Lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), 1991, tr. 649.
 
[6] - Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, 2015, tr. 295.
 
[7] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8 (1953 - 1954), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 105.
 
[8] - Tổng cục Chính trị - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ 1945 - 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr. 149.
 
[9] - Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tập V, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản năm 1963, tr. 82 - 83.
 
[10] - Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tập V, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản năm 1963, tr. 86.
 
[11] -  Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, tập V, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản năm 1963, tr. 97.
 
[12] -  Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr. 854.
 
[13] - Nguyễn Hùng Phi - TS Buasi Chalơnsúc, Lịch sử Lào hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, tập 1, tr. 180.
 
[14] - Bộ Tổng Tham mưu - Ban Tổng kết, biên soạn Lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), 1991, tr. 668.
 
[15] - Bộ Tổng Tham mưu - Ban Tổng kết, biên soạn Lịch sử, Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), 1991,  tr. 668.
 
[16] - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Báo cáo về kế hoạch tác chiến và Tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, tập 2, tr. 91 - 92.
 
[17] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 158.
 
Thượng tướng, TS. Lê Huy Vịnh
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng