Yêu cầu công tác bảo đảm tài chính quân đội trong chiến trang bảo vệ Tổ quốc

23/03/2022, 10:08

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá; ráo riết thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; đồng thời, sẵn sàng tiến hành chiến tranh xâm lược khi có thời cơ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải luôn cảnh giác, chủ động chuẩn bị chu đáo về mọi mặt trên các lĩnh vực để sẵn sàng cho các tình huống. Đối với công tác bảo đảm tài chính quân đội, cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp để đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu, phù hợp với các nhiệm vụ của quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; với chi phí hợp lý, tiết kiệm nhất. 

Nữ dân quân du kích vừa sản xuất, vừa chiến đấu

Công tác đảm bảo tài chính thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chế độ quy định của quân đội; trong đó có nhiều chế độ chính sách có liên quan và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Khi chiến tranh xảy ra, sẽ phát sinh nhiều dòng tài chính mới tăng cao hơn trước như: lương thực, thực phẩm, quần áo, nhà ở, xe máy, vũ khí, đạn dược và nhiều trang thiết bị khác. Điều đó đòi hỏi công tác bảo đảm tài chính phải chuyển đổi phương thức bảo đảm để chi viện kịp thời cho chiến trường. Để công tác bảo đảm tài chính quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần quán triệt và thực hiện tốt các yêu cầu chủ yếu sau:
 
Một là: Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo đảm tài chính quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
 
Kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy: để đánh thắng kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh hơn ta, không còn con đường nào khác là tiến hành chiến tranh nhân dân. Đặc thù của cuộc chiến tranh nhân dân là toàn dân tham gia đánh giặc. Ỏ đâu có quân thù là ở đó có chiến đấu, đối phương sẽ không có hậu phương an toàn trên đất nước ta. Ngược lại, đối với lực lượng vũ trang của ta, dù tác chiến ở bất cứ nơi đâu đều nhận được sự giúp đỡ hết lòng của các tầng lớp nhân dân. Trên cơ sở nền tảng của cuộc chiến tranh nhân dân, công tác bảo đảm tài chính cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng là công tác của hậu cần nhân dân. Nhân dân sẽ hết lòng cung cấp những gì mình có cho lực lượng vũ trang để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến. Bảo đảm tài chính cho lực lượng vũ trang không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, của quân đội, mà còn là nghĩa vụ của toàn dân. Sự đóng góp của nhân dân cho tác chiến thực hiện bằng nhiều hình thức, biểu hiện rõ nhất là công tác tài chính trên các địa bàn tại chỗ. Muốn công tác bảo đảm tài chính cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ của mình thì phải chuẩn bị và huy động tốt các nguồn tài chính. Vì thế, cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, truyền thống hậu cần toàn dân của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm đó, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân mới thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, tìm ra những biện pháp tốt nhất để sẵn sàng tham gia đóng góp bảo đảm khi có yêu cầu.
 
Hiện nay, nhận thức về vấn đề này của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân tuy đã có nhiều chuyển biến tốt, song vẫn còn có lúc, có nơi chưa thật đầy đủ, sâu sắc. Vì vậy, việc quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân trong bảo đảm tài chính cho tác chiến còn những hạn chế nhất định. Mặc dù chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chưa xảy ra, thời gian hoà bình có thể lâu dài, song nếu không chủ động chuẩn bị trước đầy đủ theo kế hoạch đã dự kiến thì khó hoàn thành được nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
 
Từ nhận thức biến thành hành động là một quá trình. Do đó phải thường xuyên tuyên truyền giáo dục để mọi cấp, mọi ngành, mọi người hiểu rõ và chung sức cùng thực hiện trên cơ sở phát huy sức mạnh của từng lực lượng; nhằm thực hiện đầy đủ, có chất lượng tốt công tác bảo đảm tài chính khi đất nước xảy ra chiến tranh.
 

Một công binh xưởng ở Sóc Trăng đang chế tạo mình địa lôi trong kháng chiến chống Mỹ
 
Hai là: Công tác bảo đảm tài chính phải bám sát nhiệm vụ tác chiến của các lực lượng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
 
Trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc tương lai, chúng ta phải tiến hành các loại hình tác chiến chiến lược như: đánh địch tiến công hỏa lực; tác chiến bảo vệ biển đảo, chống phong tỏa đường biển; tác chiến phòng thủ chiến lược; phản công chiến lược; tiến công chiến lược. Đồng thời, phải tiến hành một số loại hình tác chiến chiến lược mới như: tác chiến điện tử; tiến công tổng hợp; tác chiến không gian mạng. Mỗi loại hình đều có đối tượng tác chiến cụ thể, diễn ra trên các chiến trường với không gian, thời gian, lực lượng tác chiến khác nhau…; nhu cầu bảo đảm, phương thức bảo đảm tài chính sẽ không giống nhau. Công tác tài chính quân đội với vị trí là một bộ phận không thể thiếu sẽ nằm trong tổng thể các hoạt động của các lực lượng tác chiến; với nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu tài chính cho các các lực lượng hoạt động tác chiến. 
 
Để bảo đảm tốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu tài chính trong các loại hình tác chiến, đòi hỏi ngay từ công tác chuẩn bị tài chính phải nắm chắc nhiệm vụ quân sự của các lực lượng, trên các chiến trường, trên cơ sở quyết tâm tác chiến cụ thể; để chuẩn bị lực lượng tài chính, chuẩn bị phương án, kế hoạch bảo đảm tài chính phù hợp. Những nội dung này phải được xây dựng và triển khai trước một bước từ thời bình và đồng bộ với các ngành, các cấp. Trong tác chiến, sử dụng lực lượng và bảo đảm nhu cầu tài chính cũng trên cơ sở điều kiện cụ thể ở mỗi chiến trường để có các hình thức dự trữ nguồn lực và phương thức huy động bảo đảm phù hợp. Cần ưu tiên cho các chiến trường trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với các ngành bảo đảm để xác định nhu cầu, tổ chức dự trữ, thực hành bảo đảm cho phù hợp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chiến tranh xảy ra, sẽ tập trung ngân sách vào một số nội dung chính như: lương thực, thực phẩm, quần áo, nhà ở, xe máy, vũ khí, đạn dược và nhiều trang thiết bị khác. Trong điều tác chiến, đòi hỏi công tác bảo đảm tài chính phải chuyển đổi phương thức chi viện kịp thời cho chiến trường, nhằm đáp ứng được nhu cầu tài chính trong điều kiện chiến tranh.
 
Ba là: Chuẩn bị tài chính gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương trên các địa bàn tác chiến.
 
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh là chủ trương lớn của Đảng ta, được thể hiện trong hệ thống văn kiện của các kỳ Đại hội. Xây dựng các nguồn lực tài chính bảo đảm cho tác chiến trong chiến tranh là nội dung xây dựng tiềm lực quân sự, là biện pháp quan trọng nhằm củng cố và tăng cường quốc phòng - an ninh. Mặt khác, các nguồn lực bảo đảm tài chính cho nhu cầu tác chiến của lực lượng vũ trang được huy động, khai thác từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong và ngoài quân đội với sức mạnh tổng hợp chung của cả nước. Cùng với các nội dung chuẩn bị bảo đảm cho tác chiến được xây dựng từ thời bình, chuẩn bị tài chính có quan hệ chặt chẽ với hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Tình hình dân cư, chính trị, kinh tế - xã hội là điều kiện vật chất, là tiềm lực tài chính của đất nước bảo đảm cho tác chiến. Kinh tế phát triển, xã hội ổn định tạo thuận lợi cho việc xây dựng, chuẩn bị các nguồn lực, phương án bố trí, huy động lực lượng tài chính. Khi các công trình hậu cần, các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ… phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị tài chính gắn với quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy được các nguồn lực có tính lưỡng dụng, tiết kiệm được nguồn lực đầu tư cho một số nhiệm vụ quân sự trong thời bình; tạo được sự gắn kết giữa các thành phần của nền kinh tế địa phương với thực hiện nhiệm vụ quân sự và đạt được mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội trong thời bình.
 
Công tác chuẩn bị tài chính quân đội gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện ở sự thống nhất về mục tiêu, chủ trương, biện pháp, cách thức tiến hành. Ngoài việc củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng tiềm lực tài chính ở từng địa phương, ở các đơn vị quân đội, công tác tài chính phải hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng các công trình hậu cần, các cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ… phải có tính lưỡng dụng; thời bình phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; thời chiến đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ tác chiến. Chủ trương, biện pháp xây dựng các nguồn lực tài chính phải thống nhất với quy hoạch tổng thể, không phá vỡ hoặc cản trở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Công tác chuẩn bị được tiến hành theo lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và đặc điểm tự nhiên của từng vùng, miền.
 
Để xây dựng các nguồn lực tài chính trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước cần có chủ trương nhất quán, xác định biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh. Cục Tài chính cần nắm chắc quyết tâm của các loại hình tác chiến; phối hợp trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng miền và của cả nước. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất các nội dung chuẩn bị tài chính cho nhu cầu chiến tranh gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.
 
Bốn là: Lãnh đạo, chỉ huy, điều hành công tác tài chính tập trung, thống nhất; hiệp đồng chặt chẽ, liên tục.
 
Đây là yêu cầu thể hiện nguyên tắc lãnh đạo, điều hành, chỉ huy, chỉ đạo công tác tài chính quân đội. Công tác tài chính quân đội là một bộ phận không thể thiếu, nằm trong tổng thể các hoạt động của quân đội; hệ thống cơ quan tài chính quân đội là một bộ phận hợp thành trong cơ cấu tổ chức của quân đội. Do vậy, công tác tài chính quân đội ở các đơn vị phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy đảng cùng cấp; theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, có sự phân công trách nhiệm của các cấp, các ngành gắn với quyền hạn, trách nhiệm của người chỉ huy đơn vị. Người chỉ huy và cơ quan tài chính phải tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy cấp mình và làm tham mưu cho cấp ủy trong lãnh đạo công tác tài chính của đơn vị. Đồng thời, nếu xem xét với tư cách là chủ thể quản lý, cần nhấn mạnh các chức năng: định hướng, phối hợp, động viên và kiểm tra của tài chính đối với các hoạt động của đơn vị.
 
Mặt khác, công tác tài chính quân đội trong điều kiện chiến tranh có nhiều nội dung công việc, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực; được tiến hành ngay từ thời bình và tổ chức bảo đảm trong thời chiến trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, hoạt động của mỗi ngành, vị trí địa lý của mỗi vùng miền, mỗi địa phương có đặc thù riêng về ý nghĩa chiến lược, điều kiện tự nhiên, tình hình dân cư, khả năng kinh tế - xã hội… Vì thế, lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tập trung, thống nhất; phân công, phân cấp cụ thể; hiệp đồng chặt chẽ, liên tục sẽ đảm bảo cho công tác tài chính đạt chất lượng, hiệu quả cao.
 
Để lãnh đạo, chỉ huy, điều hành công tác tài chính bảo đảm cho chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được tập trung, thống nhất, cần xây dựng được cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, điều hành phù hợp. Bộ Quốc phòng cần tham mưu cho Đảng và Nhà nước các chủ trương, giải pháp cụ thể về công tác tài chính trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ngay từ thời bình, phải giao cho Cục Tài chính tham mưu nghiên cứu, xây dựng hoạch kế hoạch, phương án tổng thể về xây dựng các nguồn lực tài chính; kết hợp chặt chẽ việc xây dựng các nguồn lực bảo đảm cho tác chiến, gắn tăng cường quốc phòng - an ninh với phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành cần nắm chắc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn trong việc bảo đảm nhu cầu tài chính cho hoạt động của lực lượng vũ trang để lãnh đạo, chỉ huy, điều hành các cơ quan, đơn vị thuộc quyền thực hiện tốt các nội dung theo hiệp đồng của Bộ Quốc phòng, tạo điều kiện cho các đơn vị lực lượng vũ trang hoạt thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
*      *
*
 
Các yêu cầu trên, mỗi yêu cầu chỉ đạo một vấn đề của công tác bảo đảm tài chính quân đội; song chúng không tách rời nhau mà có mối quan hệ khăng khít với nhau, có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau; thực hiện tốt yêu cầu này là cơ sở để thực hiện tốt yêu cầu kia và ngược lại; tất cả đều nhằm mục đích để công tác bảo đảm tài chính quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đạt chất lượng, hiệu quả cao. Do vậy, cần quán triệt và thực hiện đồng bộ tất cả các yêu cầu; không được coi trọng hay xem nhẹ bất cứ yêu cầu nào./.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Quốc phòng (2007), Điều lệ công tác Tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội.
2. Đảng cộng sản Việt Nam (2018), Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Hà Nội.
3. Đảng cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
4. Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng (2011), Lịch sử Tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG