Từ vai trò của hậu cần nhân dân nghĩ về xã hội hóa công tác hậu cần quân đội

04/05/2022, 18:30

Xã hội hóa (XHH) các hoạt động xã hội trở thành xu hướng chung của mọi quốc gia. Trong lĩnh vực hậu cần quân đội, việc XHH cũng được nhiều nước quan tâm và thực hiện có hiệu quả cả trong thời bình và trong tác chiến; như quân đội các nước: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc…, thông qua vai trò của các nhà thầu cung cấp vật chất, trang bị, các dịch vụ hậu cần đáp ứng nhu cầu của quân đội.

Bộ đội chăm sóc vườn rau xanhBộ đội chăm sóc vườn rau xanh

Với quân đội ta, XHH công tác hậu cần là quá trình biến đổi, làm cho công tác hậu cần không chỉ là công việc của ngành Hậu cần quân đội, mà trở thành công việc chung của toàn xã hội; phát huy trách nhiệm và hiệu quả to lớn của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội, của toàn dân để chăm lo xây dựng, tăng cường tiềm lực hậu cần của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại và tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.
 
Ở nước ta, vấn đề XHH công tác hậu cần quân đội mới xuất hiện gần đây nhưng thực ra đã có tiền đề trong lịch sử dân tộc và từ khi Đảng lãnh đạo cách mạng nước ta đến nay - đó là hậu cần nhân dân. Trong suốt chiều dài lịch sử, để chống lại kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự to lớn, các thế hệ người Việt Nam đã luôn coi trọng dựng nước đi đôi với giữ nước, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc” kết hợp kinh tế với quốc phòng với kế sách “ngụ binh ư nông”, phát triển “đồn điển binh”….; để “quốc thịnh binh cường”, khi giặc xâm lăng thì “tận dân vi binh”, “cả nước chung sức”, “cử quốc nghênh địch” và toàn dân làm công tác hậu cần với kế sách lập kho, lập áng nơi hiểm yếu, kết hợp với “nhà nhà chứa trữ”, thực hiện “vườn không nhà trống”, không để lương thực, thực phẩm rơi vào tay giặc, đồng thời lấy của địch đánh địch… Các chiến công lẫy lừng trong lịch sử như  Bạch Đằng, Chi Lăng, Như Nguyệt, Đống Đa…  không tách rời vai trò nuôi quân đánh giặc của nhân dân  ta.
 
Từ khi ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã kế thừa và phát triển truyền thống nuôi quân đánh giặc của tổ tiên lên tầm cao mới. Ngay từ khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), Hồ Chủ Tịch đã căn dặn: “Nguồn cung cấp sẽ dựa vào dân…  Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”(1). Và suốt những năm tiền khởi nghĩa, “Tổng cục Cung cấp là nhân dân Cao - Bắc - Lạng” (2) đã nuôi dưỡng, đùm bọc quân đội ta. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, quân đội quốc gia được thành lập nhưng “lương thực, khí giới, chăn áo, thuốc men cái gì cũng thiếu thốn” (3), lúc này hệ thống tổ chức hậu cần quân đội đang trong quá trình hình thành, việc bảo đảm chủ yếu dựa vào dân, có gì bảo đảm nấy. Nhân dân ta trải qua hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ, vừa trải qua nạn đói khủng khiếp… nhưng vẫn nhường cơm xẻ áo, tích cực tham gia chiến dịch tăng gia sản xuất, ủng hộ “Tuần lễ vàng” được 370 kg vàng, “Quỹ độc lập” 20 triệu đồng và 5.842 mét vải, 149 kg len…(4) nhờ vậy đã giúp Chính phủ giải quyết các khó khăn trước mắt của quân đội. Để chuẩn bị cho trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, từ 3/1946 - 4/1947 cùng với việc ngăn chặn tiến công của quân Pháp, nhân dân ta thực hiện tiêu thổ kháng chiến và cùng với quân đội, bằng sức người là chính đã từng bước di chuyển, sơ tán các cơ quan, cơ sở vật chất lên các căn cứ kháng chiến, riêng ở phía Bắc đã có 42.000 tấn máy móc vật tư ngành Quân giới, 20.400 tấn muối, 2,5 triệu mét vải, hơn 1.000 tấn gạo… (5) được chuyển lên Việt Bắc và các căn cứ địa phương.
 
Với đường lối “trường kỳ kháng chiến”, “kháng chiến toàn dân, toàn diện”, “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”… , nền kinh tế kháng chiến của ta ngày càng phát triển vững chắc. Ngày 11/7/1950, Tổng cục Cung cấp được thành lập và hệ thống hậu cần quân đội dần được hình thành thống nhất. Song việc bảo đảm hậu cần suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ từ dựa vào dân là chủ yếu, tiến tới kết hợp hậu cần nhân dân và hậu cần quân đội trong bảo đảm cho các chiến dịch. Đặc biệt, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã đóng góp nhân tài vật lực rất lớn gồm 35.465 tấn gạo, 2.354 tấn thực phẩm, 1.182 tấn muối, huy động dân công 515.556 lượt người với trên 20 triệu ngày công, huy động hơn 25.208 xe thồ và 4.559 thuyền (6). Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh, Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ đánh giá: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, nhân dân ta đã đóng góp công sức nhiều như trong Đông Xuân 1953 - 1954…  Vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến. Chính vì vấn đề cung cấp khó khăn như vậy cho nên quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng chúng ra có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả dân tộc, sức mạnh của nhân dân, sức mạnh đó có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù” (7).
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc, huy động nguồn lực của nhân dân bảo đảm hậu cần cho LLVT tác chiến được kế thừa, phát triển lên tầm cao. Nhân dân ta ở miền Bắc đã thực hiện : “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, “thóc thừa cân, quân thừa người”,  “xe chưa qua, nhà không tiếc” để chi viện tiền tuyến làm tròn vai trò hậu phương lớn - nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh. Ở miền Nam, đi đôi với xây dựng LLVT, xây dựng căn cứ địa kháng chiến, tiến hành chiến tranh nhân dân với 3 mũi giáp công trên 3 vùng chiến lược, nhiều cơ sở hậu cần bí mật, các “căn cứ lõm” trong vùng địch tạm chiếm được hình thành các căn cứ hậu cần được xây dựng củng cố…  Ở đâu nhân dân cũng luôn là chỗ dựa, cung cấp cho LLVT trụ vững tác chiến trong mọi điều kiện, nhất là khi chuyển giai đoạn chiến lược và đến ngày thắng lợi. Đặc biệt, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh thì “cả nước lên đường” dốc toàn tâm, toàn lực cho chiến thắng. Để bảo đảm cho chiến dịch Hồ Chí Minh, Hội đồng cung cấp Trung ương được thành lập. Ta đã huy động 10.000 xe ô tô, 311 toa tàu hỏa, 32 tàu biển…  của các ngành kinh tế cùng nhiều phương tiện của quân đội để cơ động lực lượng, vận chuyển bổ sung trên 20 ngàn tấn vật chất còn thiếu (nhu cầu 60 ngàn tấn, đã có tại B2 hơn 40 ngàn tấn) (8). Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam, việc bảo đảm hậu cần cho quân đội vẫn dựa trên cơ sở sự huy động nguồn lực từ nhân dân, kết hợp giữa bảo đảm của Nhà nước và quân đội.
 

Diễn tập bảo đảm hậu cần
 
Từ năm 1986 trở lại đây, sau 36 năm đổi mới toàn diện, thế là lực của nước ta đã lớn mạnh lên nhiều, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường…  nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã và đang tạo ra điều kiện để thực hiện XHH và nâng cao hiệu quả bảo đảm hậu cần cho quân đội. Song, sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng, an ninh đang và sẽ đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ mới, nhu cầu hậu cần của quân đội ngày càng lớn, đa dạng nhưng nguồn ngân sách có hạn, đòi hỏi phải thực hiện XHH công tác hậu cần quân đội nhằm huy động rộng rãi, có hiệu quả nguồn lực toàn xã hội, của mọi thành phần kinh tế. Đây là vấn đề mới có ý nghĩa chiến lược, cơ bản lâu dài đòi hỏi tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp và theo chúng tôI, cần tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề chủ yếu sau:
 
Một là, thống nhất nhận thức, quan điểm, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo cơ sở nền tảng để XHH công tác hậu cần. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân, kết hợp kinh tế với quốc phòng…  mà nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong thực hiện XHH công tác hậu cần quân đội. Quân đội là lực lượng nòng cốt của LLVT nhân dân trong quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân. Sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng, an ninh đòi hỏi không ngừng xây dựng và tăng cường tiềm lực quân sự và hậu cần, từng bước hiện đại hóa vũ khí trang bị, bảo đảm sự đồng bộ trang bị hậu cần với trang bị tác chiến, không ngừng cải thiện nâng cao đời sống sinh hoạt, sức khỏe bộ đội… trên cơ sở nguồn lực tổng hợp của đất nước, đây là sự nghiệp chung của mọi người. Để huy động và phát huy vai trò to lớn của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội vào sự nghiệp quốc phòng, an ninh phải tạo được sự chuyển biến nhận thức, có sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời phải có chủ trương, quan điểm nhất quán và được cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản pháp luật, pháp quy tạo hành lang pháp lý trong tổ chức thực hiện. Với chức năng của mình, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Hậu cần nghiên cứu, tham mưu đề xuất để Chính phủ ban hành các văn bản đó; đồng thời là trung tâm phối hợp hiệp đồng với các bộ, ban, ngành và các địa phương trong tổ chức thực hiện.
 
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ tống tiêu chuẩn hàng hóa dịch vụ, sử dụng rộng rãi các hình thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trong xu hướng toàn cầu hóa, hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa nước ta đang và sẽ được xây dựng hoàn thiện theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế tạo thuận lợi cho phát triển thương mại, quản lý, thanh quyết toán. Những mặt hàng phổ thông có tính lưỡng dụng dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự có thể tận dụng hệ thống tiêu chuẩn này; còn những mặt hàng có tính đặc thù chỉ sử dụng trong quân đội cần nghiên cứu cụ thể hóa thành hệ tiêu chuẩn làm cơ sở để đặt hàng các cơ sở sản xuất kinh doanh chọn nhà cung cấp và kiểm tra, quản lý, thanh quyết toán.
 
Vừa qua và hiện nay, trong một số đơn vị ngành nghiệp vụ của hậu cần quân đội đã sử dụng một số hình thức để cung cấp hàng hóa và dịch vụ hậu cần. Trong thời gian tới cần nghiên cứu, có quy chế thống nhất cho từng lĩnh vực nhằm sử dụng linh hoạt, rộng rãi các hình thức đấu thầu, đặt gia công sản xuất, hợp đồng cung cấp dịch vụ…  để nâng cao hiệu quả XHH công tác hậu cần,  hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực, gây thất thoát kinh phí, tài sản của quân đội, Nhà nước.
 
Ba là, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và quản lý của hậu cần các cấp phù hợp với quá trình XHH công tác hậu cần. Bởi quá trình XHH công tác hậu cần sẽ huy động, sử dụng ngày càng nhiều hơn nguồn lực của các thành phần, tổ chức kinh tế - xã hội; đồng thời cho phép giảm biên chế ở hậu cần các cấp, giảm đầu tư để duy trì, phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh mà các ngành kinh tế đang và sẽ có. Mặt khác, hậu cần các cấp cũng có sự thay đổi nhất định về chức năng, nhiệm vụ: chuyển từ tạo nguồn bảo đảm là chủ yếu sang quản lý quá trình bảo đảm với chức năng giám sát, kiểm tra, xử lý thông tin là chính. Do vậy đòi hỏi phải chú trọng bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ hậu cần các cấp; đặc biệt là nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp, kinh tế, xã hội, trình độ quản lý điều hành, sử dụng và phát huy hiệu quả của các phương tiện hiện đại trong quản lý công tác hậu cần.
 
Quá trình XHH công tác hậu cần không loại trừ khả năng một số lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn (nhất là thời chiến) khó thu hút các nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ do tính rủi ro cao, lợi nhuận thấp, bởi lợi nhuận là mục đích cao nhất của các doanh nghiệp. Do đó cần có phương án, cơ chế, chính sách để duy trì và mở rộng phát triển các tổ chức, doanh nghiệp hậu cần quân đội sẵn sàng thay thế đảm nhiệm khi cần thiết - đây cũng là một trong các bài học hậu cần quân đội các nước đã thực hiện XHH rút ra từ thực tế.
 
Bốn là, tổ chức thực hiện chặt chẽ, chú trọng rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết việc XHH công tác hậu cần; góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác hậu cần quân đội. Trước hết, cần làm điểm ở một vài đơn vị với một số lĩnh vực chuyên ngành có quan hệ mật thiết, gần với các ngành kinh tế - xã hội (xây dựng, vật tư xăng dầu, lương thực thực phẩm, quân trang, thuốc và vật tư y tế, dịch vụ ăn uống...) để rút kinh nghiệm đi đến quyết định áp dụng ở phạm vi rộng hay không. Ở hậu cần các đơn vị làm điểm, cần có Ban chỉ đạo đảm nhiệm chức năng theo dõi, kiểm tra, phát hiện và xử trí kịp thời các vấn đề thực tiễn nảy sinh; cơ quan hậu cần làm tham mưu, tổ chức thực hiện theo chức năng nhiệm vụ. Đồng thời, cần chú trọng sơ kết, tổng kết đánh giá đúng tình hình rút ra các bài học, làm cơ sở nâng cao chất lượng công tác hậu cần; chú trọng phát triển hoàn thiện lý luận, các chế độ, quy định... bảo đảm cho XHH công tác hậu cần phát huy hiệu quả phục vụ bộ đội.
 
XHH công tác hậu cần quân đội là xu hướng tất yếu, đã, đang từng bước được thực hiện và nhân rộng. Đây là vấn đề mới, có ý nghĩa chiến lược, phù hợp với xu thế chung và thực tiễn đất nước; nhằm phát huy vai trò to lớn của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội cùng ngành Hậu cần chăm lo bảo đảm các nhu cầu ngày càng tăng của quân đội và tiết kiệm các nguồn lực của đất nước. Vì vậy cần có sự quan tâm đầu tư có chiều sâu và phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, các cấp, các ngành và địa phương./.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Võ Nguyên Giáp - Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, H. 1969, tr.132, 134.
2. Lịch sử hậu cần QĐND Việt Nam, tập I, Nxb QĐND, H.1995, tr.7.
3. Lịch sử hậu cần..... Sđd, tr.37.
4. Lịch sử hậu cần..... Sđd, tr.39.
5. Lịch sử hậu cần..... Sđd, tr.61 - 64.
6. Lịch sử hậu cần..... Sđd, tr.305 - 306.
7. Võ Nguyên Giáp - Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND, H.1974, tr.1958 - 1959.
8. Công tác hậu cần chiến dịch Hồ chí Minh (Xuân 1975), Nxb QĐND, H.1998, tr.17 & 32 - 33.

THƯỢNG TÁ PHẠM XUÂN SƠN