Kết hợp Kinh tế với Quốc phòng, Quốc phòng với Kinh tế tạo lập thế trận Quốc phòng toàn dân hiện nay

17/06/2020, 10:38

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là quan điểm nhất quán của Đảng ta, là sự tiếp nối truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” với các chính sách “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân”, “thực túc binh cường” của ông cha ta. Đó cũng là nhân tố quan trọng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cơ sở đường lối chiến tranh nhân dân, Đảng ta chủ trương “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; vừa tiến hành chiến tranh nhân dân rộng khắp, xây dựng “làng kháng chiến”, vừa thực hiện phát triển kinh tế ở địa phương, xây dựng căn cứ hậu phương, hậu cần tại chỗ, địch đến thì đánh, địch lui lại tăng gia sản xuất.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc, quân và dân ta vừa bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa vừa xây dựng hậu phương lớn cho miền Nam đánh giặc. Ở miền Nam, quân và dân ta kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố, mở rộng hậu phương, xây dựng căn cứ địa miền Nam vững mạnh.
 
Thời kỳ cả nước độc lập, thống nhất và đi lên CNXH (từ 1975 đến nay) kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế được Đảng ta khẳng định là một nội dung quan trọng trong đường lối và được triển khai trên quy mô rộng hơn, toàn diện hơn, nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận QPTD ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới. Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trước hết là đổi mới về kinh tế, sự kết hợp kinh tế với quốc phòng có bước chuyển biến mạnh mẽ, cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện; đặc biệt, việc tổ chức xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng (KTQP) trên các địa bàn chiến lược đã góp phần điều chỉnh thế bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, biển, đảo theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với chiến lược BVTQ trong tình hình mới - đó cũng là thực hiện nội dung cơ bản của xây dựng thế trận QPTD trong tình hình mới.
 
Nghị quyết Đại hội X của Đảng xác định: “Tiếp tục phát triển các khu KTQP, xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế với mục tiêu tăng cường quốc phòng, an ninh (QPAN) là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển, đảo”(1). Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng cũng khẳng định: kết hợp kinh tế - xã hội (KTXH) với tăng cường QPAN là quy luật tất yếu khách quan trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Đến Đại hội XII, Đảng ta đã bổ sung và nhấn mạnh: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”(2). Đồng thời chỉ rõ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng thế trận QPTD, thế trận an ninh nhân dân vững chắc”(3). Cùng với đó, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013), Điều 68 cũng quy định: “kết hợp QPAN với kinh tế, kinh tế với QPAN”(4). Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong xây dựng thế trận QPTD vững mạnh hiện nay.
 
Những năm qua, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực, thực hiện ngay trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH của đất nước, ở từng bộ, ngành và từng địa phương, bảo đảm mỗi bước phát triển KTXH là một bước tăng cường QPAN. Đặc biệt, việc kết hợp kinh tế với quốc phòng đã thực sự góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện (nền tảng của thế trận QPTD) ngày càng vững chắc. Thực hiện đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp, Quân đội đã tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và đạt hiệu quả cao trên nhiều mặt, góp phần tăng cường tiềm lực, thế trận QPTD. Nổi bật là, các đoàn KTQP đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần hình thành thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn chiến lược; tích cực tham gia xây dựng “thế trận lòng dân”, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc và tăng cường QPAN, giữ vững ổn định chính trị trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Cùng với đó, các doanh nghiệp Quân đội trên nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBBank), Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Sông Thu,... cũng đang khẳng định là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng cường tiềm lực của thế trận QPTD.
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được, sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong thế trận QPTD vẫn còn những mặt hạn chế, bất cập. Ở một số khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), hoạt động kết hợp còn thiếu đồng bộ, phương thức gắn kết chậm đổi mới. Việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương của một số cơ quan quân sự chưa chủ động; thậm chí đã có lúc, có nơi sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng. Công tác quy hoạch và hiệu quả hoạt động của các đoàn KTQP có nơi còn chưa cao; công tác chỉ đạo và tổ chức phát triển kinh tế biển còn phân tán, chưa tương xứng với tiềm năng, v.v.
 
Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự nghiệp xây dựng và BVTQ của nhân dân ta đứng trước những thuận lợi và cơ hội lớn, song cũng có không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, trong thế trận QPTD hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải tập trung thực hiện tốt một số định hướng cơ bản sau:
 
Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần xây dựng thế trận QPTD vững chắc. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quân ủy Trung ương về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng thế trận QPTD trong tình hình mới. Trọng tâm là quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; Nghị quyết số 71/ĐUQSTW, ngày 25/4/2002 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới”; Nghị quyết 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Quyết định số 277/QĐ-TTg ngày 31/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các khu KTQP trên các địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn, các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, v.v.
 
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng; về yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD trong tình hình mới. Tuyên truyền phải toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm để mỗi người thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, sự tất yếu, khách quan của nhiệm vụ; nhất là làm cho nhân dân thấy rõ hiệu quả toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh từ hoạt động tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội; từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội. Mặt khác, phải làm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng một số khuyết điểm trong thực hiện kết hợp quốc phòng với kinh tế để chia rẽ Quân đội với Đảng và nhân dân; từ đó tích cực đấu tranh bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, tránh biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, v.v.
 
Hai là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong thế trận QPTD, nhất là trên các tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo của Tổ quốc. Trước hết, phải nghiên cứu, khảo sát, xác định rõ các nguồn lực để xây dựng quy hoạch, kế hoạch kết hợp cho phù hợp trong từng lĩnh vực và từng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố). Xác định rõ cơ chế, trách nhiệm trong việc phối hợp thẩm định quy hoạch, kế hoạch phát triển KTXH, bảo đảm sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế được thực hiện ngay trong chiến lược, quy hoạch vùng, lãnh thổ và kế hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương. Việc quy hoạch phát triển kinh tế phải gắn với quy hoạch tổng thể xây dựng thế trận QPTD. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, cần triển khai thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt để mang lại hiệu quả thiết thực. Các địa phương, các khu KTQP, nhất là ở các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, trên các đảo, phải coi trọng phân bố dân cư để đảm bảo cả mục tiêu phát triển KTXH và tăng cường QPAN. Trên cơ sở đó thực hiện nhiều biện pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, làm cơ sở để xây dựng thế trận QPTD và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất việc kết hợp quốc phòng với kinh tế để “kết hợp tốt nhiệm vụ QPAN với nhiệm vụ phát triển KTXH”(5), góp phần tăng cường tiềm lực của thế trận QPTD. Mặt khác, các cấp phải quan tâm xây dựng cơ sở hậu cần, kỹ thuật kinh tế trên tuyến biên giới, ven biển và trên các đảo. Quá trình quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ sở phải mang tính lưỡng dụng cao, các cơ sở này vừa phục vụ nhân dân, vừa sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; không chỉ bền vững trước tác động của môi trường mà còn phải bền vững khi chuyển sang phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng.
 
Đối với Quân đội, các cơ quan chức năng phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế hoạt động của các đoàn KTQP; quy chế quản lý, sử dụng đất quốc phòng; chính sách đối với doanh nghiệp Quân đội đứng chân trên địa bàn chiến lược, vùng sâu, biên giới, v.v. Các đoàn KTQP phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với đặc thù quốc phòng, góp phần xây dựng thế trận QPTD trên địa bàn ngày càng vững chắc.
 
Ba là, đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên các địa bàn chiến lược, vùng biên giới, các đảo đủ điều kiện sinh sống, góp phần xây dựng thế trận QPTD vững chắc. Thời gian qua, công tác dân sự hóa trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, các đảo đã được đẩy mạnh, tác động tích cực đến sự phát triển KTXH và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố và xây dựng thế trận QPTD vững mạnh. Cơ sở hạ tầng ở nhiều địa bàn chiến lược được xây dựng ngày càng vững chắc; đời sống của nhân dân từng bước ổn định, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
 
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên các tuyến biên giới, các đảo đủ điều kiện sinh sống, làm cơ sở để khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên trên địa bàn; đồng thời, phát huy lực lượng tại chỗ để xây dựng thế trận QPTD ngày càng vững chắc. Có chính sách đặc biệt để khuyến khích nhân dân ra định cư ổn định trên tuyến biên giới và trên các đảo, nhất là tại quần đảo Trường Sa và các đảo xa bờ của Tổ quốc. Đây là một chủ trương chiến lược có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, góp phần xây dựng thế trận QPTD để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Việc quy hoạch phát triển KTXH ở các khu vực biên giới, tuyến ven biển, trên biển và các quần đảo phải tuân thủ các yêu cầu đặt ra trong kế hoạch tổng thể của khu vực phòng thủ địa phương, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa biển, đảo với đất liền; kết hợp chặt chẽ giữa thế trận “tĩnh” với thế “động” của các lực lượng tác chiến cơ động, tạo nên thế trận quân sự, quốc phòng liên hoàn, vững chắc.
 
Bốn là, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở các khu KTQP, trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, các vùng biển đảo xa bờ. Hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò hết sức quan trọng; vừa là “cầu nối” đưa chủ trương, chính sách của Đảng đến với quần chúng nhân dân, vừa là chủ thể trực tiếp tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các chủ trương của Đảng trên địa bàn. Cấp ủy và chính quyền các cấp không chỉ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ KTXH, mà còn lãnh đạo, chỉ đạo công tác QPAN. Vì vậy, cần tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị; đặc biệt là chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng hệ thống chính quyền các cấp vững mạnh, toàn diện. Hệ thống chính trị ở cơ sở phải tập trung chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc, tôn giáo. Trong đó, phải chú trọng mở rộng dân chủ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở sơ sở; phải lắng nghe nhân dân, quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời giải quyết tốt những vướng mắc, bức xúc trong nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội để củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, làm cơ sở để tập hợp và phát huy sức mạnh của lực lượng tại chỗ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự khi cần thiết.
 
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với xây dựng thế trận QPTD, nhất là trên các địa bàn, hướng chiến lược, khu vực biên giới, biển đảo. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, trước hết là của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước. Các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, nâng cao hơn nữa hiệu quả kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong thế trận QPTD, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.
 
Thượng tướng Trần Đơn
Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng
Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Thứ trưởng BQP