Quân giới Miền trong tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - 1968

08/04/2022, 18:01

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Bắc, miền Nam, nhằm cứu vãn tình thế, Mỹ tăng cường lực lượng, nâng số quân Mỹ ở miền Nam lên 535.000 tên(1), ráo riết chuẩn bị đợt phản công vào mùa khô 1967 - 1968. Trước tình hình đó, tháng 10/1967, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên chiến trường miền Nam vào Đông Xuân 1968, nhằm nỗ lực đến mức cao nhất, thúc đẩy và chớp lấy thời cơ chiến lược, giành thắng lợi có tính quyết định trong năm 1968. 

Công binh xưởng của Quân giải phóng

Đông Nam Bộ là địa bàn chiến lược trọng yếu với Sài Gòn - Gia Định, là trung tâm đầu não, một trong ba mục tiêu chủ yếu để tiêu diệt lớn quân địch trong Tết Mậu Thân. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương, tháng 10/1967, Trung ương Cục miền Nam quyết định hợp nhất Quân khu Miền Đông, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và tỉnh Long An (thuộc Quân khu 8); thành lập “Khu trọng điểm”, gồm 6 phân khu(2). Mỗi phân khu đều có các tổ chức hậu cần - kỹ thuật với các cơ sở quân giới, quân khí để bảo đảm cho tác chiến.
 
Hậu cần - kỹ thuật Phân khu 1 do Đặc khu Sài Gòn - Gia Định (cũ) chuyển sang, có đủ các ngành và hệ thống kho, đặc biệt có hệ thống kho quân giới kiên cố từ phía sau ra phía trước. Trước ngày nổ súng, trong 40 ngày, với hơn 2 tấn thuốc nổ trên cấp, kết hợp với thu gom bom đạn địch bị lép, Xưởng Quân giới Phân khu 1 đã sản xuất, cấp phát cho bộ đội 38.000 quả lựu đạn, thủ pháo (bình thường phải 2 năm mới hoàn thành). Các lực lượng vận tải cùng ngành quân giới đã vận chuyển hơn 300 tấn vũ khí đạn từ Nha Trang về kho của phân khu hiệu chỉnh, bổ sung cho các đơn vị làm nhiệm vụ thọc sâu vào nội đô. 
 
Hậu cần - kỹ thuật Phân khu 2 có nhiệm vụ bảo đảm cho tiến công các mục tiêu: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, Biệt khu Thủ đô và phát triển vào điểm hội quân là Dinh Độc lập. Phân khu có 1 xưởng quân giới, các cụm hậu cần phía sau và phía trước (ở Đức Hòa và Tân Kiên, Tân Nhật); đến 8/1967, đã tiếp nhận và vận chuyển cho các đơn vị 2.500 tấn vũ khí đạn.
 
Hậu cần - kỹ thuật Phân khu 3 đứng chân ở Phước Tuy, Phước Lộc, Phước Lâm (phía Nam Đường 4), có 1 xưởng quân giới (ở Tân Đông, Thủ Thừa, Long An) và các kho quân giới...; công việc chuẩn bị rất lớn và khẩn trương, đặc biệt là chuyển 200 tấn vũ khí đạn từ vùng biên giới - Ba Thu xuống các “Lõm hậu cần” vùng ven Sài Gòn. Đây là công việc đầy khó khăn do địa hình, đường sá phức tạp qua vùng bưng biền nhiều sình lầy, địch tìm mọi cách ngăn chặn, đánh phá. Hàng ngàn dân công Long An cả tháng ròng, chỉ có cơm vắt với muối tiêu trong môi trường nắng cháy, chua phèn khắc nghiệt, nhưng với tinh thần “Tất cả cho chiến thắng”, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những viên đạn đến tay chiến sỹ đã thấm đẫm mồ hôi và máu người dân Long An. Nhiều gia đình cơ sở cách mạng dùng ghe 2 đáy, trên để hàng hóa như đi buôn bán, dưới giấu vũ khí đạn để qua mặt kẻ địch; đôi khi chúng phát hiện ra, có người mất hết cơ nghiệp, phải tù đày và hy sinh.
 
Hậu cần - kỹ thuật Phân khu 4 trực tiếp bảo đảm cho các đơn vị chặn đánh địch trên sông Lòng Tàu, không cho chúng chi viện đường thủy từ Vũng Tàu vào Sài Gòn; chặn đánh địch trên xa lộ Biên Hoà - Sài Gòn và phối hợp với biệt động đánh chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy. Phân khu đã chỉ đạo xưởng quân giới, kho quân giới chuẩn bị 65 tấn vũ khí đạn cấp cho đơn vị trước khi nổ súng.
 

Bản đồ các cuộc tiến công trong chiến dịch Mậu Thân 1968
 
Hậu cần - kỹ thuật Phân khu 5 có đủ các ngành và cơ sở, trong đó có kho quân giới... Có nhiệm vụ bảo đảm cho các đơn vị tiến công vào thị xã Thủ Dầu Một và Sài Gòn. Phân khu đã tiếp nhận của trên 346 tấn vũ khí đạn, dùng 4 xe tải hai đáy có đủ giấy tờ của Ngụy cấp để chuyển cho các đơn vị trong nội đô. Xưởng quân giới C10 tuy đã chuyển hơn 100 đồng chí đi chiến đấu, còn lại 50 đồng chí nhưng vẫn sản xuất đủ mìn định hướng, lựu đạn, thủ pháo theo yêu cầu của các đơn vị.
 
Để bảo đảm cho lực lượng chiến đấu ở nội đô, Phân khu 6 giao cho Đội 20 chuyên vận động đào hầm cất giấu vũ khí và Đội 30 chuyên ngụy trang, chuyển vũ khí, chất nổ vào lót trước ở 25 điểm trong nội thành(3) Sài Gòn - Gia Định phục vụ các đội biệt động chiến đấu.
 
Nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã đùm bọc, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ các đơn vị trong quá trình chuẩn bị và tác chiến Tết Mậu Thân. Tiêu biểu là ông Bùi Duy Cận, chủ Hãng sơn Bạch Tuyết, một cơ sở cách mạng, từ 1962 - 1972, mỗi tháng đã ủng hộ Biệt động Sài Gòn 150.000 đồng (tương đương 40 lượng vàng). Riêng Tết Mậu Thân, ông đã ủng hộ lực lượng tác chiến ở nội đô 8 triệu đồng (lúc đó giá vàng 7.000 đồng/1 chỉ) và tận tình giúp đỡ cho các đồng chí hoạt động bí mật ở cơ sở của mình(4).
 
Cục Hậu cần Miền đã chỉ đạo các Đoàn Hậu cần, hậu cần các địa phương, đơn vị tích cực tiếp nhận, vận chuyển, sản xuất dự trữ vũ khí, đạn tập trung chuẩn bị cho 5 hướng tiến công vào nội đô. Hậu cần Miền lúc này có 7 xưởng quân giới, có khả năng sản xuất 210 tấn vũ khí cơ bản/năm. Trước giờ nổ súng, Hậu cần Miền đã chuẩn bị được 5.079 tấn vũ khí đạn(5). Riêng bảo đảm cho đánh mục tiêu Đại sứ quán Mỹ, mãi sáng 30 Tết ta mới hoàn thành chuyển vũ khí đến nơi tập kết (gồm 12 khẩu AK, 3 khẩu B40, 2 súng ngắn và 100 viên đạn, 200 kg TNT)(6).
 
Đồng thời với việc chỉ đạo công tác chuẩn bị trên các chiến trường, Quân ủy Trung ương còn quyết định mở chiến dịch lớn Đường 9 - Khe Sanh và đẩy mạnh các hoạt động tác chiến nhằm thu hút, phân tán lực lượng và đánh lạc hướng chú ý của địch, giữ bí mật cho ý đồ tiến công chiến lược, làm cho địch lúng túng, bị động, không đoán được ý định tác chiến chiến lược của ta. Chúng cho rằng Đường 9 - Khe Sanh sẽ là một “Điện Biên Phủ” trong kế hoạch tác chiến của ta nên vội vã điều động lực lượng tăng cường cho hướng này. Đúng lúc đó, đêm 30 rạng ngày 31/01 (tức đêm 30 rạng ngày mồng 1 Tết), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra đồng loạt ở hàng loạt thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn... và các thị xã, thị trấn, làm rung chuyển toàn miền Nam.  
 
Tại Sài Gòn - Gia Định, ta đồng loạt tiến công các mục tiêu trọng yếu của địch như: Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy...; kết hợp với nhân dân nổi dậy khắp nơi nhanh chóng làm chủ các mục tiêu. Các đơn vị mũi nhọn từ ngoại ô vượt qua sự ngăn chặn của địch tiến vào nội đô, tiếp ứng cho các đơn vị biệt động, đặc công, tiếp tục chiến đấu trong nhiều ngày. Ở vòng ngoài, Sư đoàn 9 chủ lực đã tiến công quân Mỹ ở Củ Chi, Biên Hòa, Đồng Dù... hỗ trợ đắc lực cho lực lượng tác chiến trong nội thành.
 
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân trên toàn miền Nam là đòn tiến công mãnh liệt của quân và dân ta đánh vào các trung tâm, sào huyệt của Mỹ - Ngụy, gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ, tạo tiếng vang lớn trên thế giới; một thắng lợi to lớn làm phá sản chiến lược chiến tranh cục bộ và “Làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ”(7) tạo nên bước ngoặt của chiến tranh. Công tác hậu cần - kỹ thuật nói chung, quân giới nói riêng đã đi trước một bước trong chuẩn bị thế trận và tiềm lực áp sát khu vực Sài Gòn - Gia Định mà vẫn giữ được bí mật là một kỳ tích. 
 
54 mùa xuân trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc và tự hào về giá trị của các bài học kinh nghiệm, sự cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ chiến sĩ hậu cần - kỹ thuật nói chung, quân giới Miền nói riêng trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Với bản lĩnh, trí tuệ, thế hệ cán bộ chiến sĩ ngày nay sẽ kế tục xứng đáng, phát huy, tô thắm thêm truyền thống và vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm đã có, góp phần xây dựng ngành Công nghiệp Quốc phòng, xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống./.
 
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1, 2, 3, 4. Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 2, NXBQĐND, 1999, trang 308, 398, 406, 435.
5, 6. Lịch sử Hậu cần QĐND... Sđd trang 315-316 và 419- 424.
7. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ IV, Nxb Sự thật, 1977, trang 18.

THƯỢNG TÁ PHẠM XUÂN SƠN