Qua miền Tây Bắc...

10/03/2022, 07:05

Những năm qua, phát huy truyền thống, LLVT tỉnh Yên Bái luôn là chỗ dựa tin cậy của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, là lực lượng nòng cốt trong tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn và chung tay giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo...

Dân công Yên Bái tham gia phục vụ Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Chiến thắng Tây Bắc - Chiến thắng của lòng dân
 
Chúng tôi có mặt ở thành phố Yên Bái đã 8 giờ sáng, nhưng dọc các con phố, người xe đi lại đều thưa thớt, các hàng quán vắng lặng, đìu hiu. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ CHQS tỉnh thông tin cho chúng tôi, Yên Bái vừa phát hiện thêm những ca nhiễm Covid-19. Vậy nên, nhịp sống tấp nập thường ngày có chậm lại đôi chút. Ngay khi có chủ trương của UBND tỉnh về việc hạn chế tiếp xúc, tránh tụ tập đông người, nhân dân thành phố thực hiện rất nghiêm túc, ai cũng mong dịch bệnh mau chóng qua đi...
 
Nơi đây, tròn 70 năm trước, quân và dân tỉnh Yên Bái đã làm nhiệm vụ bảo đảm mọi mặt cho Chiến dịch Tây Bắc đi đến thắng lợi. Biết mong muốn của chúng tôi muốn tìm gặp nhân chứng từng tham gia Chiến dịch Tây Bắc, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Cao Phượng, nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Trung đội 2, Tiểu đoàn Việt Bắc, hiện ở tổ 3, phường Yên Thịnh, TP Yên Bái. Đã bước sang tuổi 95, ông Cao Phượng vẫn không thể nào quên những tháng ngày lịch sử ấy: "Ngày 14-10-1952, Chiến dịch Tây Bắc bắt đầu". Chỉ trong vòng 10 ngày, quân ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn bên tả ngạn sông Đà gồm các huyện Văn Chấn, Than Uyên (Yên Bái), Phù Yên và một phần huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Dân công Yên Bái cùng các đơn vị bộ đội đã khắc phục khó khăn, vượt qua đèo cao suối sâu, mưa rét và bom đạn của địch vận chuyển được hàng vạn tấn đạn, dược, lương thực, thực phẩm vào mặt trận. Sự đóng góp to lớn về sức người, sức của của quân dân Yên Bái đã góp phần bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi".
 

Ông Cao Phượng (giữa) kể chuyện chiến đấu trong Chiến dịch Tây Bắc. Ảnh: KIÊN THÁI
 
“Đã thành truyền thống, nhân dân nơi đây luôn đi đầu trong mọi phong trào, ủng hộ mọi chủ trương của Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong Chiến dịch Tây Bắc, quân dân tỉnh Yên Bái bước vào chuẩn bị mọi mặt để phục vụ chiến dịch. Theo những tài liệu lịch sử địa phương còn lưu giữ được, từ tháng 5-1952 đến hết chiến dịch, cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động, mua sắm hàng trăm chiếc thuyền, phà, bè mảng và mở thêm nhiều bến mới để phục vụ bộ đội và chở vũ khí, phương tiện chiến đấu qua sông. Nhân dân đã huy động được 730 tấn gạo, 622 con trâu, 1.368 con lợn, 72 tấn muối, 16 tấn đỗ, lạc vừng cho bộ đội. 5.428 dân công, dân quân đã tham gia phục vụ chiến dịch”-Đại tá Dương Anh Tuấn, Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh tiếp lời.
 
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đóng góp trên 3,6 triệu lượt ngày công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, bảo đảm giao thông thông suốt trên con đường huyết mạch Yên Bái - Sơn La, nối liền căn cứ địa Việt Bắc với mặt trận Tây Bắc, vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương vững chắc góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, LLVT tỉnh cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phối hợp cùng với bộ đội chủ lực bắn rơi 115 máy bay Mỹ các loại, bắt sống và tiêu diệt 8 toán biệt kích, triệt phá hàng chục ổ nhóm phản động; động viên gần 25.000 thanh niên lên đường nhập ngũ, kịp thời bổ sung, chi viện, đóng góp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam; huy động trên 6 triệu ngày công đào hầm hào, công sự chiến đấu, khắc phục hậu quả đánh phá của máy bay Mỹ, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt phục vụ cho sản xuất và chi viện cho chiến trường, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, LLVT tỉnh đã phối hợp cùng với bộ đội chủ lực trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh huy động hàng vạn ngày công đào hầm hào, công sự, xây dựng tuyến phòng thủ, thế trận chiến tranh nhân dân, ra sức củng cố, xây dựng LLVT, bán vũ trang của địa phương, các cụm điểm tựa, căn cứ chiến đấu trong pháo đài quân sự huyện, thị xã, góp phần bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
 
 

Huấn luyện cho lực lượng dự bị động viên ở Trung đoàn 212, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái.
 
Tô thắm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
 
Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT tỉnh đã cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT tỉnh. Với vai trò, chức năng tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ quan quân sự các cấp đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành triển khai xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ theo hướng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm ngày càng vững chắc, đi vào chiều sâu; tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn tỉnh vững mạnh.
 
"Thực hiện chức năng đội quân công tác, LLVT tỉnh đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền và tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tiến hành có hiệu quả công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt, chúng tôi luôn đẩy mạnh các mô hình như: “Giúp dân xóa nhà tạm, nhà dột nát”, “Chung tay giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo”, "Ngày thứ bảy cùng dân”… để bộ đội thêm gắn bó với cơ sở"-Thượng tá Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh.
 

Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái giúp nhân dân thu hoạch lúa, năm 2021.
 
Điển hình như đợt khắc phục hậu quả trận lũ quét xảy ra tháng 8-2005 tại thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải; cơn bão số 4 tháng 8-2008; sạt lở núi năm 2012 tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải; lũ quét xảy ra tại huyện Mù Cang Chải vào tháng 8-2017 và thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn tháng 7-2018... Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn có mặt kịp thời ở những nơi xung yếu nhất, nguy hiểm nhất, dầm mình trong mưa bão, lũ dữ, bất kể ngày, đêm tìm kiếm, cứu nạn... để bảo vệ tính mạng, tài sản và bảo đảm an toàn cho nhân dân đã tô thắm và làm tỏa sáng phẩm chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh ghi nhận, đánh giá cao.  
 
“LLVT tỉnh đã huy động hơn 20 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong các đợt mưa lũ; huy động hơn 543.000 ngày công tu sửa và làm mới hơn 876km đường giao thông; vận động, quyên góp được hơn hai tỷ đồng, hàng nghìn bộ quần áo, chăn màn ủng hộ đồng bào vùng cao; đóng góp vào quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa"; xây dựng 48 "Nhà tình nghĩa", 8 "Nhà đồng đội" với tổng số kinh phí hơn 3 tỷ đồng; hỗ trợ, giúp đỡ 75 hộ gia đình ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải hoàn thành tiêu chí thoát nghèo”-Đó là những con số biết nói mà Đại tá Dương Anh Tuấn chia sẻ với chúng tôi. 
 

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Yên Bái trao tặng con giống cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, năm 2021. Ảnh: ANH VŨ
 
Tìm hiểu những bước phát triển của xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, chúng tôi thấy rõ hơn dấu ấn của LLVT nơi đây. Bà Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Việt Thành say sưa kể với chúng tôi về con đường thoát nghèo nhờ trồng dâu nuôi tằm ở đây: “Còn nhớ, những năm 2000, trước đời sống khó khăn của bà con, được sự ủng hộ của tỉnh, chúng tôi đã quy hoạch được vùng trồng dâu. Nhưng không phải bà con đã ủng hộ ngay, thậm chí còn có nhiều hộ phản đối vì tập quán canh tác trồng lúa bao đời nay.
 
Cùng với các ban ngành, đặc biệt là sự đồng hành của lực lượng dân quân xã đã không quản ngại gian khó giúp dân khai khẩn đất hoang hóa, bạc màu. Ban đầu, chúng tôi làm thử 30-40ha. Rồi mỗi năm lại khai khẩn thêm diện tích, bà con đã có người bảo: “Ai làm không tin chứ bộ đội thì tôi tin”. Vậy là đến nay, với gần 200ha diện tích trồng dâu, nuôi tằm, nhiều gia đình ở xã Việt Thành đã thoát nghèo bền vững, kinh tế ổn định. Ông Hoàng Quốc Lập, ở thôn Lan Đình vui vẻ cho biết: “Thoát nghèo, tôi chuẩn bị phá căn nhà cấp 4 lụp xụp này để xây nhà hai tầng. Nếu không trồng dâu nuôi tằm thì dự định xây dựng căn nhà khang trang sẽ không bao giờ thực hiện được! Tôi cảm ơn chính quyền, cảm ơn các chú bộ đội nhiều lắm!”.

PHẠM THU THỦY (QĐND ONLINE)