Đội quân kinh tế hùng mạnh và rào cản chính sách

15/01/2022, 15:55

LTS: Suốt 77 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã giữ đúng định hướng phát triển theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt 3 chức năng: Đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.

Một góc ở Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: CHIẾN THẮNG.

Tuy nhiên, đội quân lao động sản xuất (thực chất cũng thực hiện đủ 3 chức năng của quân đội, nhưng tập trung nhiệm vụ chủ yếu cho lao động sản xuất) đang gặp phải một số rào cản về chính sách, dẫn tới chưa bung hết được sức mạnh để đóng góp nhiều hơn cho kinh tế-xã hội (KT-XH), nhất là trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế trước những tác động của đại dịch Covid-19.
 
Bài 1: Lao động sản xuất - một chức năng quan trọng của quân đội
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta ngay từ khi mới thành lập lực lượng QĐND đã rất chú trọng tới chức năng đội quân lao động sản xuất, coi đây là một trong 3 chức năng chính của quân đội. Thực hiện chủ trương, chính sách ấy, đội quân lao động sản xuất thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QPAN) trong quân đội đã được xây dựng và phát triển thành một lực lượng hùng mạnh, đóng góp rất lớn cho sự phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng và bảo vệ đất nước...
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về quân đội tham gia lao động sản xuất
 
QĐND Việt Nam có 3 chức năng chính là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong tư tưởng Hồ Chí Minh, các văn kiện-tài liệu của Đảng, trong Hiến pháp và trong hệ thống pháp luật của nước ta. Việc QĐND Việt Nam tham gia lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế là sự kế thừa từ những bài học xương máu trong lịch sử của dân tộc.
 
Ngay từ thời kỳ đầu, khi ông cha ta tổ chức ra lực lượng quân đội để chiến đấu chống quân xâm lược, mở rộng bờ cõi, lực lượng quân đội đã được tổ chức thành một đội quân vừa thiện chiến, vừa giỏi sản xuất. Chính sách “ngụ binh ư nông” có thể coi là một sự sáng tạo tuyệt vời, song song với quá trình thao luyện quân sự, binh lính cũng được đưa đi tham gia sản xuất nông nghiệp để tăng cường quân lương, khoan thư sức dân. Không chỉ trong thời bình, trong thời chiến, cha ông ta cũng thực hiện rất tốt chính sách quân đội vừa chiến đấu, vừa lao động sản xuất để tự bảo đảm quân lương. Chính điều này làm nên một nghệ thuật chiến đấu rất độc đáo của Quân đội ta thời phong kiến. Rất nhiều lần, giặc ngoại xâm thực hiện mưu kế bao vây, chặn đường tiếp tế lương thực của ta với hy vọng không đánh mà quân ta tự tan rã. Nhưng nhờ tự lao động sản xuất, quân ta tự túc hoàn toàn được lương thực, ngược lại khiến quân giặc lâm vào tình trạng rệu rã và bị đánh bại.
 
Kế thừa bài học kinh nghiệm của cha ông, ngay từ khi mới tổ chức lực lượng QĐND Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng tổ chức cho quân đội tham gia lao động sản xuất, từ sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, trang-thiết bị quân sự, quân trang, quân dụng cho tới tăng gia trồng trọt, chăn nuôi. Trong Bài nói về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của quân đội tại Hội nghị cao cấp toàn quân ngày 20-3-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Nhiệm vụ xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu và nhiệm vụ tích cực tham gia sản xuất của quân đội đều rất quan trọng, thống nhất và kết hợp chặt chẽ với nhau. Bộ đội chiến đấu và bộ đội sản xuất phải tăng cường đoàn kết. “Toàn quân phải đoàn kết phấn đấu, quyết tâm xây dựng Quân đội ta thành một đội quân hùng mạnh, sẵn sàng chiến đấu, học tập giỏi, công tác giỏi, sản xuất giỏi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn như vậy.
 
Đảng ta cũng xác định từ rất sớm nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế và ngược lại. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (mở rộng) tháng 3-1957 về vấn đề xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng đã xác định rõ: "Quân đội phải có ý thức và thiết thực tham gia vào việc xây dựng kinh tế và củng cố hậu phương. Chỉ có phát triển không ngừng nền kinh tế của nước nhà mới có thể tǎng cường việc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Ngược lại, khi đặt vấn đề xây dựng kinh tế, phải luôn luôn chiếu cố đến nhu cầu củng cố quốc phòng, kết hợp nhu cầu thời bình với nhu cầu thời chiến".
 
Từ đó đến nay, Đảng ta cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách về việc quân đội tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất” của quân đội. Nhà nước, quân đội cũng cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thành quy định của pháp luật để thực hiện, chẳng hạn Nghị định số 030/NĐ của Bộ Quốc phòng ngày 23-8-1956 thành lập Cục Nông binh để tham mưu cho Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Hiến pháp năm 1980 đã hiến định rằng các lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ cùng toàn dân xây dựng nước nhà, Nhà nước chăm lo phát triển công nghiệp quốc phòng; Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung thêm quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Các quy định về doanh nghiệp QPAN cũng được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp và các văn bản dưới luật...
 
Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế
 
Thấm nhuần lời dạy của Bác; thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật; với sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng qua các thời kỳ, đội quân lao động sản xuất của QĐND Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, từ những nhà xưởng, nhà máy sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng cho tới những nông trường, lâm trường quân đội luôn đạt thành tích rất đáng tự hào, góp phần rất tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và kiến thiết nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế.
 
Hòa bình lập lại, các đơn vị bộ đội chủ lực cũng hăng hái tăng gia sản xuất, giúp dân xây dựng và phát triển kinh tế; còn các đơn vị bộ đội sản xuất cũng nhanh chóng vươn mình, khẳng định vai trò rất to lớn trong nền kinh tế nước nhà. Kể từ khi đất nước ta bước vào công cuộc đổi mới, nhiều đơn vị bộ đội sản xuất đã chuyển đổi mô hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn nhưng vẫn giữ vững truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, luôn đoàn kết, nhất trí một lòng, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” và giành thắng lợi vẻ vang. Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc phòng đã khẳng định được tên tuổi, trở thành những thương hiệu hàng đầu của đất nước, vươn tầm khu vực và thế giới, đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng, phát triển của KT-XH, vào ngân sách nhà nước và góp phần quan trọng vào việc bảo đảm các nhiệm vụ QPAN. Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11), các doanh nghiệp thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, thuộc các quân chủng, binh chủng.
 
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đứng chân trên các địa bàn chiến lược, tham gia phát triển KT-XH vùng sâu, vùng xa, xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư vùng biên giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố QPAN, tham gia giúp các nước bạn Lào, Campuchia phát triển KT-XH để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
 
Để thực hiện nhiệm vụ của mình, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn QPAN phải thành lập các công ty con, nhưng theo quy định hiện hành, các công ty con ấy không được xác định là doanh nghiệp QPAN nên gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đó đang là những cản trở rất lớn làm giảm hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này...

HOÀNG GIA MINH - NGUYỄN CHIẾN THẮNG (QĐND ONLINE)