Một số kinh nghiệm công tác Hậu cần - Tài chính nhân dân cơ sở các tỉnh Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ và hướng vận dụng trong chiến trang bảo vệ Tổ quốc

14/03/2022, 10:29

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở các tỉnh Nam Bộ giữ vị trí rất quan trọng trong công tác bảo đảm hậu cần cho các lực lượng vũ trang hoạt động, tác chiến trên địa bàn; góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến; để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, cần được vận dụng, kế thừa, phát triển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai.

Bộ đội hành quân ra chiến trường

Trong suốt 21 năm xâm lược miền Nam (1954 ÷ 1975), đế quốc Mỹ và chính quyền Ngụy đã thực hiện các chiến lược: "vành đai" và "tăng cường liên minh" (1954 ÷ 1960); "chiến tranh đặc biệt" (1961 ÷ 1965); "chiến tranh cục bộ" (1965 ÷ 1968); "Việt Nam hóa chiến tranh" (1969 ÷ 1975). Không chịu sự kìm kẹp của chế độ Mỹ, Ngụy, nhân dân Nam Bộ đã đứng lên kháng chiến; từ đấu tranh chính trị đến kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kiên quyết đánh địch giải phóng quê hương. Công tác hậu cần nhân dân cũng từng bước phát triển theo từng giai đoạn kháng chiến, hình thành hệ thống hậu cần nhân dân từ tỉnh đến huyện, xã. Đặc biệt, hậu cần - tài chính nhân dân xã, ấp đã góp phần không nhỏ vào công tác hậu cần bảo đảm cho kháng chiến thắng lợi.
 
Cấp ủy và chính quyền các địa phương đã chủ động tổ chức xây dựng cơ sở hậu cần - tài chính ở các xã, ấp; tạo nền tảng cho xây dựng, củng cố căn cứ địa cách mạng, hậu phương tại chỗ; từng bước thiết lập thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân. Không những xây dựng được các cơ sở hậu cần - tài chính các ấp, xã ở vùng giải phóng mà còn xây dựng được các cơ sở ở vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát; tạo thành mạng lưới hậu cần nhân dân rộng khắp, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang đứng vững trên địa bàn và tác chiến thắng lợi. Nghệ thuật tổ chức lực lượng hậu cần và chỉ đạo phương thức hoạt động mang tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện của chiến trường trong từng giai đoạn kháng chiến. Đã vận động được rộng rãi nhân dân tham gia công tác hậu cần - tài chính với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần quân sự địa phương huyên, tỉnh với hậu cần nhân dân cơ sở xã, ấp và hậu cần các đơn vị quân đội; hình thành thế trận hậu cần nhân dân vững chắc; thúc đẩy công tác hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở phát triển cả về tổ chức và phương thức hoạt động… Có thể nói, công tác hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở các tỉnh Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ đã có bước phát triển từ thấp đến cao, từ các cơ sở nhỏ lẻ đến phong trào hoạt động rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân; để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, có thể vận dụng, kế thừa trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
 

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam
 
Một là: Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân vào điều kiện thực tế của chiến trường; tích cực, chủ động bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở hậu cần - tài chính nhân dân vững chắc.
 
Để có nguồn lực hậu cần - tài chính tại chỗ, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh Nam Bộ đã vận dụng linh hoạt đường lối chiến tranh nhân dân vào công tác hậu cần - tài chính; bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở hậu cần - tài chính nhân dân trong từng xã, ấp. Quá trình vận dụng, luôn nắm chắc đặc điểm chiến trường, tình hình kinh tế xã hội của các địa phương, tình hình địch, tình hình ta; trên cơ sở đó động viên được tiềm năng trong dân cho kháng chiến lâu dài. Do biết dựa vào nhân dân, tích cực chủ động gây dựng các cơ sở hậu cần - tài chính nhân dân, nên cán bộ cách mạng hoạt động bí mật trong lòng địch được bảo đảm an toàn. Cũng do xây dựng được hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở nên đã tổ chức bảo đảm được cho các cuộc đấu tranh chính trị, đồng khởi, nổi dậy đánh địch giành chính quyền; tạo lập, xây dựng căn cứ cách mạng. Khi vùng giải phóng được mở rộng, nhân dân các xã, ấp tiếp tục đóng góp sức người, sức của ngày càng nhiều; ngoài bảo đảm cho các lực lượng tại địa phương, còn chi viện bảo đảm cho các đơn vị bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực đứng chân trên địa bàn. Các lực lượng vũ trang dựa vào các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng, cơ sở hậu cần - tài chính địa phương; quán triệt và thực hiện sáng tạo quan điểm tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính; tích cực tăng gia sản xuất, tự nuôi sống mình. 
 
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cần kế thừa bài học kinh nghiệm này để vận dụng cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương; đồng thời, phát triển công tác hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở lên trình độ cao hơn so với chiến tranh giải phóng trước đây. Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; thường xuyên quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh để nhân dân hiểu và thực hiện tốt. Cán bộ các cấp tích cực bám nắm cơ sở, hiểu rõ nguyện vọng của dân để có biện pháp chỉ đạo kịp thời trong xây dựng tiềm lực hậu cần - tài chính nhân dân. Kịp thời chỉ đạo việc tổ chức hoạt động hậu cần - tài chính bảo đảm cho lực lượng dân quân xã huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tham gia phòng, chống thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn; chống âm mưu diễn biến hòa bình, gây rối làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay tại địa phương. Vận dụng các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng vào điều kiện cụ thể của từng địa phương; đẩy mạnh sản xuất tạo nguồn lực hậu cần - tài chính, thực hiện dân giầu nước mạnh. Chỉ đạo xây dựng hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở như việc thành lập Ban hậu cần - tài chính nhân dân xã; tổ chức thành lập các tổ, đội hậu cần nhân dân không chuyên trách. Tổ chức tạo nguồn và dự trữ vật chất hậu cần, tạo nguồn lực tài chính trong dân; làm nền tảng cho xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ. 
 

Ấp chiến lược với hàng rào bằng tre và hào cắm chông bao quanh
 
Hai là: Coi trọng xây dựng, củng cố tiềm lực hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở; gắn vấn đề bồi dưỡng sức dân với huy động tiềm lực hậu cần - tài chính trong nhân dân phục vụ kháng chiến. 
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, mặc dù bị địch bình định, kiểm soát gắt gao, nhưng nhân dân các tỉnh Nam Bộ vẫn che giấu, nuôi dưỡng cán bộ; bám đất sản xuất, ổn định đời sống và đóng góp cho cách mạng. Từng bước hình thành mạng lưới hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở rộng khắp; lập nên vùng căn cứ cách mạng, căn cứ hậu phương tại chỗ để khai thác tiềm lực hậu cần - tài chính nhân dân bảo đảm cho lực lượng vũ trang ba thứ quân. Nhân dân triển khai sinh hoạt cơ động, phân tán ra đồng dựng lều trại, bám ruộng sản xuất; thôn xóm giao lại cho du kích, bộ đội địa phương bố phòng đánh địch. Để huy động tiềm lực hậu cần - tài chính trong dân, ta ban hành một số chính sách và thuế như thuế đảm phụ kháng chiến, thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp; chính sách dân công phục vụ tiền tuyến, chính sách hậu phương quân đội… Đây là vấn đề mấu chốt, nhằm bồi dưỡng sức dân và duy trì đẩy mạnh kháng chiến. Các xã, ấp tranh thủ lúc được giải phóng củng cố tổ chức Đảng, kiện toàn các tổ chức quần chúng cách mạng, phát triển lực lượng du kích; kết hợp việc bố phòng, chiến đấu với phát triển sản xuất, tạo nguồn tài chính, chuyển mọi sinh hoạt của người dân phù hợp với thời chiến. 
 
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hậu cần toàn dân vẫn là quan điểm cơ bản về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Để động viên, tổ chức nhân dân cơ sở xã, phường, thị trấn tham gia công tác hậu cần - tài chính có hiệu quả, đòi hỏi các cấp, các ngành ở địa phương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế xã hội; đẩy mạnh sản xuất, tạo nguồn tài chính, nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách hậu phương quân đội, chính sách với người có công; giải quyết các tàn dư chiến tranh... Trong bất kỳ trong tình huống nào cũng phải gắn xây dựng, củng cố hậu phương tại chỗ vững mạnh với xây dựng các tổ chức chính trị, xây dựng “thế trận lòng dân” dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền địa phương; nhằm tạo ra nguồn lực hậu cần - tài chính trong nhân dân để khai thác, huy động bảo đảm cho lực lượng vũ trang địa phương hoạt động, tác chiến trong cả thời bình và thời chiến; sẵn sàng chi viện bảo đảm cho các đơn vị chủ lực cơ động tác chiến trên địa bàn. Xây dựng tiềm lực hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở là nền tảng cho xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ vững mạnh, bảo đảm cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh ngay tại địa bàn. 
 

Nữ du kích đứng gác trên sông Cửu Long
 
Ba là: Xây dựng, phát triển tổ chức lực lượng hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
 
Trên chiến trường miền Nam, các lực lượng hậu cần - tài chính sinh ra, lớn lên từ phong trào đấu tranh của quần chúng. Trong giai đoạn cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, đã được các gia đình cách mạng che giấu, nuôi dưỡng; bí mật tiếp tế cơm nước, thuốc men. Khi phong trào đấu tranh chính trị phát triển với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, đa đạng thì lực lượng hậu cần - tài chính nhân dân trong xã, ấp cũng được mở rộng; bắt đầu hình thành các lực lượng làm nhiệm vụ vận động quyên góp tài chính, lương thực, thực phẩm, thuốc men; lực lượng nấu cơm, nước, tiếp tế cho các đoàn đi biểu tình, đấu tranh trên huyện, trên tỉnh; lực lượng chăm sóc, cứu chữa, giúp đỡ người bị thương, bị nạn, gia đình khó khăn. Khi cách mạng chuyển từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh vũ trang, việc bảo đảm hậu cần - tài chính cho các lực lượng vũ trang quần chúng ở cơ sở và các đội vũ trang tập trung đầu tiên của huyện, tỉnh, chủ yếu dựa vào sự nuôi dưỡng của nhân dân; lực lượng hậu cần - tài chính nhân dân ở các xã, ấp trực tiếp bảo đảm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng địa phương. Ở các xã, ấp vùng giải phóng, dựa vào các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị; lực lượng hậu cần - tài chính nhân dân được tổ chức thành các tổ, đội để vận động quyên góp tài chính, lương thực, thực phẩm; vận chuyển tiếp tế, thăm hỏi động viên, chăm sóc nuôi dưỡng thương bệnh binh; các tổ, đội dân công phục vụ các đơn vị bộ đội hoạt động, tác chiến trên địa bàn. Hình thức tổ chức được thực hiện linh hoạt; như hội mẹ, hội chị chiến sỹ, tổ lạc quyên, tổ nấu ăn, tiếp tế, đội dân công hỏa tuyến…
 
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, để phát huy sức mạnh của hậu cần - tài chính nhân dân, phải tiếp tục triển khai xây dựng lực lượng hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở xã, phường. Lực lượng này được thành lập dựa vào các tổ chức, đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân tập thể, hợp tác xã nông nghiệp, bộ phận tài chính ngân sách, trạm y tế... Thành phần lực lượng hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở thường gồm: tổ cứu thương và tải thương; đội vận tải cơ giới và thô sơ; tổ sửa chữa, sản xuất vũ khí, phương tiện; tổ cấp dưỡng, tiếp tế... Các địa phương cần thực hiện tốt chính sách đầu tư, khuyến khích các hợp tác xã, hộ tư nhân mua sắm các phương tiện xe cơ giới, tàu, thuyền; trên cơ sở đó, tổ chức lực lượng dân quân thành các tổ vận tải cơ giới và thô sơ, tổ bảo dưỡng, sửa chữa xe máy. Đồng thời, cần thực hiện tốt chương trình kết hợp quân - dân y, bảo đảm 100% số xã, phường có trạm y tế với biên chế mỗi trạm từ 2 ÷ 5 cán bộ, 5 ÷ 7 giường bệnh; phấn đấu mỗi xã, phường có các cơ sở khám, chữa bệnh đông - tây y kết hợp và dịch vụ bán thuốc trên địa bàn; hình thành các tổ cấp cứu, cứu thương, mỗi tổ có từ 10 ÷ 15 người. Thường xuyên củng cố, phát triển các lực lượng này; trước mắt là phục vụ dân sinh, khi cần huy động bảo đảm cho lực lượng vũ trang. Hàng năm, các lực lượng này cần được huy động diễn tập trong các tình huống phòng chống bão lụt, khắc phục thiên tai, diễn tập khu vực phòng thủ.  
 

Phòng phẫu thuật dã chiến trong rừng đước nhập nước ở Cà Mau
 
Bốn là: Phương thức hoạt động hậu cần - tài chính linh hoạt, sáng tạo, nội dung hoạt động phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và sự phát triển trong từng thời kỳ kháng chiến.
 
Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang nhỏ lẻ mới ra đời, hậu cần - tài chính chỉ dựa vào quần chúng chí cốt cũng đủ để bảo đảm. Đến giai đoạn lực lượng vũ trang ba thứ quân đã được hình thành và phát triển nhanh chóng; một mặt, ta vẫn phải dựa vào hũ gạo nuôi quân, con gà kháng chiến do nhân dân quyên góp, ủng hộ; nhưng mặt khác, ta phải tổ chức hệ thống hậu cần - tài chính nhân dân địa phương từ tỉnh, huyện đến các xã, ấp. Việc đóng góp của dân không còn là sự hảo tâm, thu hẹp trong vùng căn cứ mà là nghĩa vụ của toàn dân, kể cả vùng giải phóng, vùng tranh chấp và vùng địch kiểm soát. Sự đóng góp theo nghĩa vụ thực hiện không chỉ có đóng góp tài chính, lương thực, thực phẩm mà kể cả việc huy động tòng quân, đi dân công phục vụ chiến trường. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục, động viên, ta còn có chính sách, quy định cụ thể về nghĩa vụ công dân đối với cuộc kháng chiến. Hoạt động hậu cần - tài chính nhân dân các xã, ấp luôn được thực hiện linh hoạt. Việc huy động lương thực, có nơi thu lúa, có nơi thu tiền rồi tổ chức đường dây thu mua lúa gạo. Công tác vận tải, tiếp tế có lúc thực hiện công khai, có lúc vận chuyển du kích, bí mật; có nơi tổ chức tuyến vận chuyển dài, có nơi chia thành cung đoạn ngắn. Triệt để lợi dụng thế công khai, hợp pháp để làm ăn lâu dài; thực hiện quần chúng hóa, địa phương hóa, nghề nghiệp hóa. Tranh thủ mọi sơ hở của địch, giỏi ngụy trang che mắt địch để thực hiện nhiệm vụ. Có khi một mẹ già cùng người con gái, với chiếc xuồng hai đáy, giỏi ngụy trang qua mắt địch, đưa hàng tấn vũ khí, đạn dược vào chiến trường; trong lúc ta dùng cả tiểu đoàn vận tải quân sự không vượt qua được tuyến ngăn chặn của địch. 
 
Bài học thực tiễn sinh động này không chỉ có ý nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng kế thừa. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nội dung và phương thức hoạt động của hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở được tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ hơn. Cần thành lập Ban hậu cần - tài chính nhân dân xã; thành phần gồm có Trưởng ban là Phó chủ tịch xã, Phó ban là xã đội phó, các ủy viên là trưởng một số ban ngành đoàn thể xã (Trạm trưởng y tế, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, bộ phận tài chính ngân sách...). Ban có nhiệm vụ làm tham mưu và giúp Ủy ban nhân dân xã trực tiếp điều hành mọi hoạt động hậu cần - tài chính nhân dân, bảo đảm cho lực lượng dân quân xã hoạt động và chi viện bảo đảm cho các lực lượng vũ trang khác đứng chân trên địa bàn trong cả thời bình và thời chiến. Tùy tình hình cụ thể của từng địa phương để có cách tổ chức, huy động và phương thức hoạt động cho phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể. Hình thức tổ chức hoạt động vừa dựa vào tính tự giác của người dân khi tuyên truyền vận động, vừa có quy định theo nghĩa vụ công dân. Trong thời bình, tổ chức vận động quyên góp ủng hộ nhân dân các địa phương khác khi bị thiên tai, thảm họa; giúp đỡ những người bị tàn dư của chiến tranh; bảo đảm cho dân quân xã huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu hoặc được huy động đi làm các nhiệm vụ trên giao. Khi chiến tranh xảy ra, sẵn sàng huy động mọi tiềm lực hậu cần - tài chính bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương. Cùng với huy động tiềm lực và tổ chức hoạt động bảo đảm, xã phải có những chính sách ưu tiên, đãi ngộ thỏa đáng đối với những người, những gia đình tham gia công tác hậu cần - tài chính của địa phương.  
  
Năm là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, sự chỉ đạo, giúp đỡ của cơ quan hậu cần quân sự địa phương huyện, tỉnh để duy trì tổ chức và hoạt động, tạo nên sức mạnh của hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở.
 
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cấp ủy Đảng địa phương các tỉnh Nam Bộ luôn chăm lo tới công tác hậu cần - tài chính nhân dân ở cơ sở; chỉ đạo phương thức hoạt động hậu cần - tài chính nhân dân sâu sát, chặt chẽ và đạt hiệu quả; quan tâm thường xuyên tới mọi hoạt động sản xuất, kinh tế tài chính, huy động tiềm lực hậu cần; kịp thời giải quyết những khó khăn, uốn nắn những lệch lạc trong phương thức hoạt động hậu cần - tài chính; duy trì, giữ vững phong trào, thực hiện đúng chức năng hậu cần - tài chính cơ sở. Lực lượng đoàn thể tham gia đông đảo vào công tác hậu cần - tài chính nhân dân ở cơ sở là thanh niên, phụ nữ trong tổ chức nông hội; trong đó phụ nữ giữ vai trò nòng cốt. Chị em là người trực tiếp sản xuất ra lúa gạo nuôi quân, đi dân công tải đạn, chuyển thương, làm hộ lý chăm sóc nuôi dưỡng thương bệnh binh ở các trạm quân y hay ở gia đình, đóng góp tiền của cho cách mạng. Khi lực lượng vũ trang cần, chị em là lực lượng hưởng ứng đông đảo nhất; từ nắm cơm, manh áo, món quà gửi ra tiền tuyến đều qua sự vận động của chị em phụ nữ; đây là chỗ dựa vững chắc của hậu cần - tài chính quân đội. Trong khó khăn ác liệt, hậu cần quân sự địa phương huyện, tỉnh luôn làm nòng cốt cho phong trào hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở hoạt động. Hai hệ thống hậu cần thường xuyên có sự kết hợp, bổ sung, hỗ trợ cho nhau để tổ chức bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang ba thứ quân chiến đấu.
 
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, kế thừa kinh nghiệm của các tỉnh Nam Bộ trong xây dựng và tổ chức hoạt động của hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở, cần thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các ban ngành, đoàn thể làm tham mưu theo chức năng. Thường xuyên củng cố và kiện toàn tổ chức Ban hậu cần - tài chính nhân dân xã, phường, thị trấn để chủ động thực hiện kế hoạch bảo đảm hậu cần - tài chính cho lực lượng dân quân khi có tình huống xảy ra. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; Đảng ủy xã phải cử một Đảng ủy viên phụ trách Ban hậu cần - tài chính, thông thường là đồng chí Phó chủ tịch xã kiêm Trưởng ban hậu cần - tài chính nhân dân. Mặt khác, phát huy vai trò của các ban ngành, đoàn thể với chức năng làm tham mưu đề xuất giúp Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xây dựng các kế hoạch hậu cần - tài chính, đảm bảo cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương. Hậu cần quân sự địa phương tỉnh, huyện cần bám sát cơ sở, chỉ đạo về chuyên môn, tạo điều kiện, giúp đỡ Ban hậu cần - tài chính nhân dân xã tổ chức hoạt động có hiệu quả cao trong cả thời bình và thời chiến. 
 
*     *
*
 
Những bài học kinh nghiệm quý báu về tổ chức hoạt động của hậu cần - tài chính nhân dân cơ sở bảo đảm cho các lực lượng tác chiến trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ là sự kế thừa có chọn lọc truyền thống hậu cần toàn dân của dân tộc. Những kinh nghiệm đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và sẽ có giá trị lớn hơn nữa nếu chúng ta tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển lên trình độ cao hơn trong điều kiện mới hiện nay; đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai./. 
 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quân khu 7 (2000), Lịch sử hậu cần Quân khu 7 (1945 - 2000), Nxb QĐND, Hà Nội.
2. Quân khu 9 (1998), Lịch sử hậu cần lực lượng vũ trang nhân dân đồng bằng sông Cửu Long (1945 - 1975), Nxb QĐND, Hà Nội.
3. Tổng cục Hậu cần (2016), Lịch sử hậu Quân đội nhân dân Việt Nam, tập II (1954- 1975), Nxb QĐND, Hà Nội.

THƯỢNG TÁ, TS. LÊ THÀNH CÔNG